Quan sát & Bình luận
Giải mã "cú đấm bất ngờ"
Trước khi rời nhiệm sở gần 1 tháng, ngày 23-12-2016, chính phủ của Tổng thống Barack Obama lúc đó quyết định bỏ phiếu trắng để mở đường cho các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết đầu tiên kể từ năm 1979 lên án chính sách phát triển các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine.
Động thái nói trên của Mỹ phá vỡ tiền lệ ủng hộ Israel trước đó. Israel vốn là đồng minh lâu đời của Mỹ và nhận khoản viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD/năm từ Washington. Hơn thế, quyết định trên được xem là “cú đấm bất ngờ” cho người kế nhiệm, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vấn đề đặt ra là ông Trump sẽ “giải mã” ra sao.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ nghị quyết của HĐBA LHQ và chỉ trích gay gắt chính phủ Obama đã không sử dụng quyền phủ quyết. Bên cạnh đó, ông Netanyahu cho biết, Israel đang trông đợi cơ hội hợp tác với ông Trump và “các bạn bè” trong Quốc hội, đảng Cộng hòa cũng như đảng Dân chủ Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng của nghị quyết mà Tel Aviv mô tả là “vô lý”.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Israel - Palestine nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung không chỉ đơn thuần là những tuyên bố, hay các hành động nhất thời, mà còn nằm trong toàn bộ chính sách địa chính trị cả khu vực rộng lớn, có những tác động sâu sắc đến tình hình thế giới, nhất là cuộc chiến chống khủng bố hiện nay. Nếu không xử lý tốt cuộc xung đột Israel - Palestine, vai trò, vị trí, tình hình an ninh nước Mỹ cũng bị giảm sút và đe dọa .
Vì thế, chính phủ Mỹ đương nhiệm cũng cho thấy sự điều chỉnh quan điểm hướng tới cách tiếp cận thận trọng hơn với chính sách Trung Đông. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, những tuyên bố tranh cử mạnh bạo liên quan tới tình hình Trung Đông của ông Trump đã và đang được điều chỉnh để phù hợp với thực tế địa chính trị. Theo đó, chính phủ Tổng thống Trump tạm ngừng kế hoạch dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, cũng như có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với việc mở rộng và xây mới các khu nhà định cư của Israel.
Trong một tuyên bố ngày 2-2 vừa qua, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho hay: “Chúng tôi không tin rằng, sự hiện diện của các khu định cư là một trở ngại đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, song việc xây mới hay mở rộng các khu định cư bên ngoài lãnh thổ Israel có thể không có ích”. Thông cáo của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh phía Washington hiện “chưa đưa ra lập trường chính thức về hoạt động xây nhà định cư” của Israel. Bên cạnh đó, Washington cũng tăng cường tham vấn với giới lập pháp trong nước và các nước đồng minh Arab.
Kể từ khi nhậm chức hôm 20-1, ông Trump đã điện đàm với lãnh đạo các nước Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Quốc vương Jordan Abdullah II từng cảnh báo ông Trump về kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem.
Theo các nhà quan sát, đây là sự điều chỉnh khá thận trọng của Mỹ đối với việc xây dựng các khu nhà định cư tại khu Bờ Tây và Đông Jerusalem - hai vùng đất bị Israel chiếm đóng từ năm 1967; bởi kể từ khi khởi động cuộc đua vào Nhà Trắng cho đến nay, vị tỷ phú bất động sản Trump luôn bày tỏ ủng hộ chủ trương của Nhà nước Do Thái và cam kết cải thiện mối quan hệ với quốc gia đồng minh ở Trung Đông. Thậm chí, ông Trump đã bổ nhiệm ông David Friedman làm Đại sứ Mỹ tại Israel. Ông Friedman ủng hộ việc mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, trái ngược với chính sách lâu nay của Washington.
Ngày 14-2, Nhà Trắng phát đi tín hiệu về việc bất ngờ chấm dứt sự ủng hộ kéo dài hàng chục năm qua đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với báo chí rằng, Mỹ sẽ không theo đuổi “Một giải pháp hai nhà nước vốn không đem lại hòa bình không phải là mục tiêu mà bất kỳ ai muốn đạt được” (?!).
Tuyên bố này được đưa ra trong lúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến công du Mỹ và sẽ hội đàm với Tổng thống Donald Trump, tập trung nhiều vấn đề nổi bật trong quan hệ hai nước thời gian qua, gồm chương trình hạt nhân Iran, cuộc chiến tại Syria, khả năng chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem và tiến trình hòa bình Trung Đông...
Các nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược, trong bối cảnh Tổng thống Trump có thể đứng về phía lợi ích của Israel. Bên cạnh đó, những rào cản đối với mối quan hệ giữa hai nước dưới thời cựu Tổng thống Obama đang dần được gỡ bỏ.
Về phía Israel, trước thềm chuyến thăm Mỹ, ông Netanyahu đã chịu nhiều sức ép từ các nhân vật cực hữu trong nội các và đảng Likud, liên quan đến giải pháp hai nhà nước với Palestine và kế hoạch xây dựng các khu định cư. Trong cuộc họp nội các trước khi lên đường, ông Netanyahu nói rằng, vấn đề an ninh sẽ là ưu tiên của ông trong các cuộc gặp sắp tới, song nhiều thành viên cực hữu lại đề nghị tập trung vào cuộc xung đột Israel - Palestine. Có đến 12 bộ trưởng và nghị sĩ đảng Likud đã kêu gọi Thủ tướng Netanyahu từ bỏ ý tưởng về nhà nước Palestine tương lai, đồng thời gây sức ép để chính quyền Mỹ chấp nhận quyền xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu vực Bờ Tây.
Nếu Tel Aviv và Washington loại bỏ mục tiêu hai nhà nước cùng tồn tại và được cộng đồng quốc tế ủng hộ thì con đường đi đến một nền hòa bình cho Trung Đông trở nên xa vời; thậm chí, nguy cơ xung đột sẽ bùng phát trở lại, tiếp tục gây đau thương, chết chóc cho thường dân vô tội.
TUYẾT MINH