Quốc tế
Chính phủ và tư pháp Mỹ lại "khẩu chiến"
Trong lúc Mỹ chờ đợi phán quyết của tòa phúc thẩm liên bang về tính đúng đắn trong quyết định của thẩm phán James Robart đình chỉ thực thi sắc lệnh nhập cảnh, Tổng thống Donald Trump gọi phiên điều trần là “thiên vị” và “chính trị hóa”.
Một phụ nữ tham gia dòng người biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump tại Washington. Ảnh: Reuters |
Trước đó, ngày 7-2, các thẩm phán thuộc tòa phúc thẩm liên bang Mỹ mở phiên điều trần đầu tiên nhằm xem xét khả năng có khôi phục sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump hay không. Dự kiến trong tuần này, tòa sẽ ra phán quyết.
Những ngày cuối tuần qua, ông Trump tiếp tục sử dụng công cụ phát ngôn quen thuộc của mình là mạng xã hội Twitter để lên án, chỉ trích thẩm phán liên bang của thành phố Seattle James Robart vì đã đình chỉ thực thi sắc lệnh nhập cư do ông ký ban hành ngày 27-1. Ông Trump nói rằng, một người “được gọi là thẩm phán” như ông Robart lại có quan điểm “nực cười” và “thực tế đã loại bỏ lực lượng hành pháp khỏi đất nước”.
Thực tế, Hiến pháp Mỹ vốn đặt ra những quy định nghiêm ngặt, rõ ràng để phân tách quyền lực giữa nhánh hành pháp của tổng thống với nhánh lập pháp là Quốc hội và nhánh tư pháp là tòa án. Các tổng thống Mỹ thường né tránh can dự vào những vấn đề tư pháp. Vụ việc xảy đến với ông Trump lần này là chưa có tiền lệ ở Mỹ.
Tổng thống Trump khẳng định: Sắc lệnh của ông nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của các phiến quân Hồi giáo. Tuy nhiên, nó đã trở thành sắc lệnh gây chia rẽ sâu sắc nhất trong những ngày tháng cầm quyền còn rất mới mẻ của ông. Không chỉ thế, nó còn làm dấy lên những cuộc biểu tình và cả những hỗn loạn trên toàn nước Mỹ và tại các sân bay quốc tế. Sắc lệnh này ngừng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày; cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn; cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Tuy nhiên, trong quan niệm của tân Tổng thống Mỹ, việc một thẩm phán chống đối sắc lệnh của ông là hành vi thiên vị. Trong cuộc gặp gỡ với hàng trăm sĩ quan cảnh sát từ các thành phố lớn tề tựu về một khách sạn ở Washington ngày 8-2, ông Trump nói: “Tôi không muốn đánh giá các thẩm phán đang thiên vị. Chúng ta vẫn chưa có quyết định cuối cùng nhưng tòa án dường như đang mang nặng tư tưởng chính trị. Sẽ tốt hơn cho nền tư pháp Mỹ nếu những thẩm phán hiểu rõ vấn đề và làm điều đúng đắn”.
Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm trong những ngày tới sẽ quyết định việc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của ông Trump có được khôi phục hay không. Song, đó cũng mới chỉ là bước đầu tiên trong một vụ việc có những diễn tiến quá nhanh. Thực tế, các tòa án rốt cuộc cũng sẽ phải giải quyết được những vấn đề liên quan tới phạm vi, quyền hạn của một tổng thống trong những vấn đề như nhập cư và an ninh quốc gia. Theo các chuyên gia luật, nếu nhìn về thông lệ, các thẩm phán thường hết sức thận trọng khi phải “bước lên” quyền lực của nhánh hành pháp trong những vấn đề này, dù một số chuyên gia thừa nhận việc áp dụng sắc lệnh của ông Trump cũng bộc lộ những vấn đề chưa từng có.
Trở lại với nội dung sắc lệnh nhập cảnh của ông Trump, một số chuyên gia luật cũng đặt ra vấn đề: Liệu sắc lệnh cấm này có vi phạm một điều khoản trong Hiến pháp Mỹ không, khi Hiến pháp quy định cấm những điều luật có nội dung ủng hộ một tôn giáo này hơn tôn giáo khác.
Có vẻ ông Trump đã bị bất ngờ khi vấp phải sự phản ứng về mặt luật pháp của cấp dưới với sắc lệnh nhập cư của ông. Cũng tại cuộc gặp với giới chức của lực lượng hành pháp Mỹ, ông Trump trích dẫn nội dung điều luật được ông sử dụng làm căn cứ bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của mình. Theo đó, ông tuyên bố, luật pháp Mỹ khẳng định rất rõ ràng rằng, cho phép một tổng thống có quyền tạm cấp phép nhập cảnh với bất cứ đối tượng nào nếu ông ấy cảm thấy họ có khả năng gây nguy hại cho an ninh đất nước.
Thống kê mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, kể từ khi thẩm phán liên bang của thành phố Seattle James Robart tạm đình chỉ việc thực hiện sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump, 480 người tị nạn đã được phép vào Mỹ, trong đó có 168 trường hợp nhập cảnh ngày 8-2. Trong số những người được phép nhập cảnh đó, có 198 người đến từ Syria. Ngày 8-2, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã phê chuẩn quyết định của Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Jeff Sessions, người có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, làm Bộ trưởng Tư pháp, bất chấp phản đối của đảng Dân chủ. |
TRẦN ĐẮC LUÂN