Quốc tế

Hàn Quốc loay hoay trong khủng hoảng

07:52, 13/03/2017 (GMT+7)

Hàn Quốc đang phải “dọn dẹp” những hệ lụy khi Tổng thống Park Geun-hye bị Tòa án Hiến pháp phế truất. Các cuộc biểu tình ủng hộ và chống lại bà Park vẫn diễn ra rầm rộ trên đường phố, thậm chí kêu gọi bắt giữ bà và phế truất cả quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn.

Các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ ở gần Tòa án Hiến pháp tại Seoul. 		 Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ ở gần Tòa án Hiến pháp tại Seoul. Ảnh: AP

Các chính trị gia Hàn Quốc muốn bảo đảm đất nước này sẽ không còn chứng kiến một nhà lãnh đạo như bà Park Geun-hye, người vừa bị phế truất trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2-2018. Song, theo AP, họ cho rằng, cần viết lại hiến pháp đã 30 năm tuổi.

Xem xét lại hiến pháp

Một số đảng muốn người dân Hàn Quốc bên cạnh việc bầu tổng thống vào ngày 9-5 tới, cần bỏ phiếu cho một bản hiến pháp mới. Các đảng này nhận định: Việc bà Park bị phế truất và có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự xung quanh tội tống tiền và tham nhũng cho thấy hiến pháp đã trao quá nhiều quyền lực cho tổng thống. Theo đó, họ muốn hiến pháp mới phải được xây dựng dựa trên sự chia sẻ quyền lực, với việc hạn chế quyền lực của tổng thống trong xử lý các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia; các vấn đề trong nước sẽ giao cho thủ tướng - người được Quốc hội lựa chọn.

Tuy nhiên, ông Moon Jae-in, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, phản đối việc nhanh chóng xem xét lại hiến pháp và cáo buộc các đảng đối lập đang âm mưu cắt đứt quyền của tổng thống. Hiện là ứng cử viên sáng giá thay thế bà Park, ông Moon cho biết, ông sẽ đề cập việc xem xét lại hiến pháp nhưng không ủng hộ bất kỳ sự thay đổi nào trước hoặc cùng lúc diễn ra bầu cử tổng thống. Theo ông, 2 tháng là quá ngắn để soạn thảo một hiến pháp phù hợp.

Cũng theo AP, việc bàn thảo viết lại hiến pháp là điều phi lý khi các chính trị gia ở Hàn Quốc từng nỗ lực bảo vệ văn bản này. Các nghị sĩ luận bỏ phiếu luận tội bà Park hồi tháng 12-2016 cũng dựa trên cơ sở bà “vi phạm nghiêm trọng” hiến pháp được viết năm 1987. Những tranh cãi lúc này xung quanh tương lai của một bản hiến pháp đang đẩy khủng hoảng gia tăng ở Hàn Quốc. Việc thay đổi hiến pháp cần sự ủng hộ của 2/3 trong số 300 nghị sĩ ở Quốc hội và sau đó phải đưa ra trưng cầu dân ý.

Cơ hội cho các ứng cử viên

Vấn đề đặt ra trong lúc này là phán quyết lịch sử của Tòa án Hiến pháp để lại một khoảng trống quyền lực lớn khi Hàn Quốc đối mặt với những khó khăn về ngoại giao. Đây cũng là cơ hội vàng cho các ứng cử viên tổng thống có thể đưa ra quan điểm chính trị rõ ràng của mình trong các vấn đề then chốt. Theo Reuters, ông Moon Jae-in nếu tiếp quản Nhà Xanh có thể làm dịu lập trường của Seoul đối với CHDCND Triều Tiên và hoãn việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn.

Ông Moon từng là trợ lý cấp cao của cựu Tổng thống Roh Moo-hye, người ủng hộ “Chính sách ánh dương” trong việc tháo gỡ căng thẳng với CHDCND Triều Tiên. Ông Moon cũng chỉ trích 2 cựu Tổng thống bảo thủ: bà Park và người tiền nhiệm Lee Myung-bak làm “chệch hướng” những nỗ lực của các chính phủ trước đó trong xử trí quan hệ liên Triều. Ông kêu gọi tiếp cận “2 bước” với CHDCND Triều Tiên: trước hết là đối thoại để “thống nhất kinh tế”, cuối cùng là “thống nhất chính trị và quân sự”.

Ông Moon hiện dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Còn quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang là ứng cử viên nặng ký nhất của phe bảo thủ.

Bà Park Geun-hye rời Nhà Xanh

Tối 12-3, bà Park Geun-hye rời Nhà Xanh trong sự bảo vệ chặt chẽ của lực lượng an ninh và trở về tư dinh ở phía nam thủ đô Seoul, nơi có hàng trăm người ủng hộ chờ đợi. Cũng trong ngày này, lần đầu tiên kể từ khi bị phế truất, bà Park lên tiếng bác bỏ cáo buộc bà đã có những hành vi sai trái khi còn đương nhiệm. “Dù mất thời gian nhưng tôi tin rằng, sự thật chắc chắn sẽ được phơi bày”, bà Park nêu rõ trong một thông báo do một thành viên thuộc đảng của bà đọc. Theo Yonhap, bà cũng xin lỗi vì đã không hoàn thành nhiệm kỳ.

Các cuộc biểu tình ủng hộ và chống đối bà Park vẫn diễn ra rầm rộ. Những người ủng hộ bà yêu cầu Tòa án Hiến pháp bãi bỏ phán quyết và tuyên bố sẽ thành lập một đảng chính trị mới nhằm khôi phục công lý, luật pháp, dân chủ. Những người chống đối thúc giục bắt giữ bà Park; đồng thời kêu gọi phế truất quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, bởi ông đã từ chối kéo dài điều tra độc lập đối với vụ bê bối chính trị liên quan bà Park.

VĨNH AN

.