Quốc tế
Kế hoạch gia tăng quyền lực của tổng thống: Người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nói "không"
Lãnh đạo đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, người dân nước này sẽ bỏ phiếu chống lại việc gia tăng quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới.
Kế hoạch gia tăng quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang gây chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP |
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AFP, Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu cho biết, ngay cả một số cử tri thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cũng chống lại kế hoạch gia tăng quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới. Ông Kilicdaroglu cảnh báo sẽ phản đối nếu kết quả bỏ phiếu làm tê liệt nền dân chủ bằng việc tập trung quyền lực vào tay một người.
Những người chỉ trích vốn cho rằng, kế hoạch tăng quyền lực của Tổng thống Erdogan gây nguy hiểm cho tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. “Một người nắm nhiều quyền lực và ảnh hưởng sẽ tạo ra những rủi ro cho tương lai của Thổ”, ông Kilicdaroglu nói.
Việc sửa đổi hiến pháp, theo đó giảm quyền của thủ tướng và cho phép tổng thống được trực tiếp bổ nhiệm các quan chức hàng đầu, bao gồm các bộ trưởng, đang gây tranh cãi và chia rẽ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc trưng cầu dân ý về những sửa đổi dự kiến diễn ra vào ngày 16-4 tới. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo vệ những thay đổi này, cho rằng dự thảo sửa đổi là cần thiết để ổn định đất nước và sẽ mang lại một hệ thống tương tự Pháp cũng như Mỹ.
Theo AFP, các thăm dò cho thấy sự chia rẽ và đối đầu gay gắt giữa hai bên: một bên ủng hộ chính phủ đang vận động người dân bỏ phiếu “có”, còn phe chống đối muốn cử tri quay lưng với kế hoạch nói trên.
Trưng cầu dân ý sẽ diễn ra sau gần 1 năm vụ đảo chính bất thành làm rúng động Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện ngày 15-7-2016 nhằm lật đổ ông Erdogan đã làm gần 250 người chết, kéo theo đó là hàng loạt cuộc bắt bớ, thanh trừng.
Song, thất bại của cuộc đảo chính đã mang lại sự thống nhất hiếm hoi trong nền chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, với việc ông Kilicdaroglu và lãnh đạo đảng Phong trào Dân tộc cực hữu (MHP) Devlet Bahceli sau đó cùng tham dự một cuộc tuần hành ủng hộ ông Erdogan ở thành phố Istanbul.
Riêng đối với sửa đổi hiến pháp, ông Bahceli muốn thúc đẩy việc thông qua vào tháng 1-2017 nhưng ông Kilicdaroglu không những không muốn giúp chính phủ thông qua dự luật mà còn chỉ trích các đề xuất được đưa ra.
Theo ông Kilicdaroglu, với dự thảo hiến pháp mới, tổng thống sẽ có quyền kiểm soát hiệu quả hơn đối với tư pháp, hành pháp và lập pháp. “Nếu không có tư pháp độc lập, nếu hành pháp và lập pháp bị kiểm soát, nghĩa là chúng ta đang xóa bỏ nền dân chủ”, lãnh đạo CHP nói.
Thực tế, kế hoạch trưng cầu dân ý của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây rạn nứt trong quan hệ giữa Ankara với các quốc gia châu Âu. Việc tổ chức các cuộc tuần hành ở Đức và Hà Lan nhằm vận động cho cuộc trưng cầu dân ý của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối của các nước sở tại.
Ngày 13-3, Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại biện lâm thời Daan Feddo Huisinga của Đại sứ quán Hà Lan ở thủ đô Ankara đến để bày tỏ phản đối về hành động của cảnh sát thành phố Rotterdam chống lại những người Thổ biểu tình vào cuối tuần qua, cũng như phản đối việc Hà Lan trục xuất Bộ trưởng Gia đình và các chính sách xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya khi bà đến thành phố Rotterdam tham dự một cuộc tuần hành. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, Ankara sẽ làm những gì có thể theo luật pháp quốc tế để chống lại Hà Lan.
Trong lúc đó, Hà Lan phát cảnh báo mới về việc đi lại đối với công dân nước này tại Thổ. Còn Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói rằng, ông không ủng hộ việc các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị qua các cuộc tuần hành ở Đức.
Chính phủ Berlin cấm các chính trị gia của Ankara đi vận động cộng đồng Thổ tại các nước này ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp. Vì vậy, Tổng thống Erdogan gọi cách hành xử của Đức là “phát-xít” và gọi động thái của Hà Lan là “tàn dư phát-xít Đức quốc xã”.
Phía Đan Mạch cũng đề nghị Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hoãn chuyến thăm vào cuối tháng này. Theo các nhà quan sát, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu có thể tạo ra khủng hoảng trong toàn khối. Ankara vốn tìm cách gia nhập EU nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
PHÚC NGUYÊN