Quốc tế

Khủng hoảng tị nạn Syria: Cơn ác mộng về an ninh

08:02, 21/03/2017 (GMT+7)

Khi số người tị nạn Syria rời khỏi đất nước do cuộc nội chiến lên đến hàng triệu người, các chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng, cuộc di dân là mối đe dọa an ninh đối với vùng Trung Đông.

Người tị nạn Syria chờ đợi để được vào Thổ Nhĩ Kỳ. 						 Ảnh: AFP/Getty Images
Người tị nạn Syria chờ đợi để được vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/Getty Images

Ông Ali Soufan, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và là tác giả của một báo cáo công bố ngày 20-3, thời điểm đánh dấu 6 năm xảy ra nội chiến Syria, cho rằng: “Chúng ta đang chứng kiến thảm họa lớn nhất của loài người”. Theo ông, thất bại của phương Tây trong việc giải quyết vấn đề tị nạn tạo ra tình huống tương tự sự trỗi dậy của Taliban và Al-Qaeda ở Afghanistan, với hệ lụy có thể còn nghiêm trọng hơn.

Trả lời phỏng vấn Yahoo News, ông Soufan nói rằng, hàng triệu người tị nạn đang sống trong các lều bạt, 85% trẻ em Syria bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. “Chúng ta đã thấy điều này trước đó. Chúng ta đã thấy điều này ở Afghanistan, nơi nhiều trẻ em tị nạn Afghanistan được các phần tử Hồi giáo cực đoan chiêu mộ tại các trại tị nạn Pakistan…”, ông Soufan bày tỏ. Theo ông, đó là những gì có thể bắt đầu diễn ra trong các khu tái định cư ở Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ - nơi trẻ em đang sống trong tình trạng tạm bợ.

Trong khi đó, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Avril Haines cũng đồng tình với báo cáo của ông Soufan. Viết trên Yahoo News, bà Haines không những đề cập sự thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn Syria, gây mất ổn định cho các nước láng giềng, mà vị cựu quan chức CIA còn cho rằng, tình hình này sẽ “gây ra tội phạm xuyên quốc gia và cuối cùng tạo thuận lợi cho sự phát triển của các mạng lưới khủng bố trong khu vực, vốn là mối đe dọa đối với Mỹ cũng như các đồng minh”.

Những cảnh báo nói trên được đưa ra trong lúc cuộc nội chiến ở Syria dường như trở nên phức tạp khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các cuộc không kích bên trong quốc gia Trung Đông này và có kế hoạch triển khai thêm binh sĩ đến nơi đây để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuần trước, một cuộc không kích được cho là do Mỹ thực hiện ở bên ngoài thành phố Aleppo của Syria nhằm vào các chiến binh Al-Qaeda nhưng các nhà hoạt động địa phương và Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, cuộc tấn công lại trúng vào đền thờ Hồi giáo, làm 46 người chết, hầu hết là dân thường.

Chỉ mới tháng trước, trả lời phỏng vấn Yahoo News, Tổng thống Syria Bashar Assad khẳng định, Damascus hiện an toàn, cuộc sống gần như trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng trong tuần qua, 2 kẻ đánh bom liều chết đã tấn công vào trung tâm Damascus làm hơn 30 người chết và 100 người khác bị thương.

Các vụ tấn công dường như làm khủng hoảng tị nạn leo thang. Hơn 4,9 triệu người Syria đã đăng ký tị nạn với Cao ủy về tị nạn của Liên Hợp Quốc. Con số này gấp 5 lần so với tổng số người tị nạn Palestine trong cuộc xung đột Israel - Arab năm 1948 và tương đương gần ¼ dân số Syria trước lúc cuộc nội chiến xảy ra. Theo thống kê, cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 320.000 người và khiến hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong số những nạn nhân thiệt mạng có tới 17.400 trẻ em và 11.000 phụ nữ. Khoảng 13,5 triệu người dân Syria đang cần viện trợ nhân đạo.

Liên quan vòng hòa đàm vào ngày 23-3 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) để chấm dứt cuộc nội chiến, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết, chính phủ Syria sẽ cử đại diện tham gia. Phía Nga cũng hy vọng phe đối lập Syria có mặt tại Geneva. Theo đó, đàm phán sẽ tập trung vào tiến trình quản trị, hiến pháp, bầu cử, chống khủng bố cũng như quá trình tái thiết đất nước.

PHÚC NGUYÊN

.