Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ ra Tòa án Tối cao ở Bangkok ngày 25-8 để nghe phán quyết về cáo buộc liên quan chương trình trợ giá gạo.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ đến Tòa án Tối cao vào ngày 25-8 để nghe phán quyết. Ảnh: AFP |
Báo Bangkok Post dẫn lời ông Norawit Lalaeng, luật sư của cựu Thủ tướng Yingluck cho biết, bà đã sẵn sàng nghe tòa tuyên án. Trong lúc đó, chính phủ quân sự đang tìm cách ngăn cản những người ủng hộ bà và cảnh báo sự hiện diện của lực lượng này tại tòa có thể bị xem là bất hợp pháp. Chính phủ quân sự cho rằng, việc hơn 3.000 người ủng hộ bà Yingluck có mặt tại tòa sẽ là một trong những sự kiện tụ tập chính trị lớn nhất kể từ sau vụ đảo chính năm 2014. Cảnh sát được huy động thêm 2.500 - 4.000 người để bảo vệ khu vực trong và xung quanh tòa án, cùng sự có mặt của 3 trực thăng, 20 xe bọc thép… Các trạm kiểm soát trên tất cả tuyến đường chính dẫn đến thủ đô Bangkok đã được thiết lập từ ngày 21-8.
Theo hãng Reuters, phán quyết của tòa có thể làm gia tăng căng thẳng ở Thái Lan, đất nước bị chia rẽ về chính trị hơn một thập niên qua. Cựu Thủ tướng Yingluck bị cáo buộc tắc trách trong chương trình trợ giá gạo trị giá hàng tỷ USD. Chính phủ của bà mua gạo của nông dân gấp đôi giá thị trường để tích trữ, khi giá gạo thế giới tăng cao đột biến sẽ bán ra với mức giá cao hơn bình thường. Tuy nhiên, chính chương trình trợ giá gạo đã làm Thái Lan mất vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và gây thiệt hại đến 8 tỷ USD. Những người chỉ trích cho rằng, chương trình trợ giá gạo có từ thời anh trai bà Yingluck - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, chỉ nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri nông thôn, những người luôn bỏ phiếu cho đảng của gia tộc Shinawatra trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.
Bà Yingluck bác bỏ mọi cáo buộc và nói rằng bà là nạn nhân của âm mưu chính trị. Nếu bị kết tội, bà sẽ đối mặt với mức án lên đến 10 năm tù. Trước đó, tháng 1-2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) bỏ phiếu buộc tội bà Yingluck tắc trách trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo và cấm bà tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm.
Theo các nhà hoạt động đối lập, một phán quyết kết tội bà Yingluck sẽ làm bùng phát sự chống đối chính phủ và có thể khơi mào cho những cuộc biểu tình nhỏ, bất chấp lệnh cấm, đặc biệt là ở miền bắc và đông bắc, nơi có đông đảo lực lượng ủng hộ gia tộc Shinawatra.
Cựu Thủ tướng Thaksin, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và hiện sống lưu vong để tránh phải thi hành án về tội tham nhũng, không bình luận gì về trường hợp của em gái mình. Trong khi đó, giáo sư khoa học chính trị Trakool Meechai tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng, chưa hẳn sẽ diễn ra các cuộc biểu tình kéo dài nhằm chống lại phán quyết đối với bà Yingluck. “Dù gì đi nữa vụ việc cũng sẽ gây tác động đến nền chính trị của Thái Lan”, giáo sư Meechai nói với hãng Reuters. Theo ông, vụ việc lần này sẽ là phép thử đối với các chính trị gia trong việc điều hành đất nước. Vị giáo sư này cũng nhận định: Nếu bị kết tội, bà Yingluck sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị, đây không những là đòn giáng mạnh vào gia tộc Shinawatra và những người trung thành của họ, mà còn làm sự chia rẽ chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này thêm sâu sắc.
Song, nếu bà Yingluck được tuyên vô tội sẽ củng cố uy tín của đảng Puea Thai và thúc đẩy triển vọng của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2018.
THIÊN BÌNH