Tây Ban Nha đang được đặt trong tình trạng báo động ở mức 4 trong thang cảnh báo 5 mức về nguy cơ tấn công khủng bố.
An ninh được thắt chặt tại Barcelona, nhất là xung quanh các điểm du lịch. Ảnh: AFP |
Một tuần sau 2 vụ lao xe vào đám đông trên đường phố Las Ramblas - trung tâm Barcelona, và thị trấn Cambrils làm 15 người chết, 120 người khác bị thương, người dân Tây Ban Nha vẫn chưa hết bàng hoàng bởi xứ sở bò tót vốn được cho là “thiên đường an toàn”. Cảnh sát nước này bắt đầu mở rộng điều tra ra quốc tế sau khi Mohamed Houli Chemlal - một nghi can thừa nhận tại tòa rằng, các chiến binh thánh chiến đang hướng đến một cuộc tấn công lớn hơn. An ninh cũng được thắt chặt tại các điểm du lịch, trong đó có thánh đường Sagrada Familia, và những sự kiện lớn ở Tây Ban Nha.
Theo AFP, các nhà chức trách Tây Ban Nha tiến hành những chiến dịch mới vào ngày 23-8 nhằm loại bỏ nguy cơ khủng bố. Ít nhất 500 lít acetone, nguyên liệu được dùng trong thuốc nổ tự chế đã được tìm thấy tại một ngôi nhà ở thị trấn Alcanar, phía nam Barcelona. Đây là thành phần của thuốc nổ TATP, được gọi là “mẹ của quỷ Satan”, vốn được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lựa chọn để thực hiện vụ tấn công và đã được sử dụng trong hàng loạt vụ tấn công bằng bom ở châu Âu trong những năm gần đây. Song, vụ nổ ở xưởng chế tạo bom tại Alcanar vào ngày 16-8, trước khi xảy ra vụ tấn công ở Barcelona, khiến nhóm khủng bố thay đổi kế hoạch, chuyển sang hình thức “thô sơ” hơn: lao xe vào đám đông. Cảnh sát tin rằng, nếu không có sự cố nổ xưởng chế tạo bom này, thảm kịch sẽ còn nặng nề hơn với Tây Ban Nha.
Ngoài thủ lĩnh của nhóm khủng bố, Abdelbaki Es Satty, thiệt mạng trong vụ nổ ở Alcanar, cảnh sát xứ Catalan xác định thi thể của nghi can thứ hai là Youssef Aalla. Đối tượng duy nhất còn sống sau vụ việc này chính là Mohamed Houli Chemlal, hiện bị tạm giam. Còn trong 2 vụ tấn công ở Barcelona và Cambrils, 4 nghi can bị bắt đều ở tuổi 21-34; trong đó có 3 công dân Maroc và 1 người Tây Ban Nha.
Điều đáng nói, theo CNN, IS đe dọa sẽ “trả thù” cho 8 phần tử khủng bố bị cảnh sát tiêu diệt trong các vụ tấn công tại Barcelona và Cambrils. Trong đoạn băng do nhóm tình báo SITE chuyên theo dõi các nhóm khủng bố đăng tải cho thấy, một thành viên IS mô tả những kẻ tấn công ở Barcelona là “những người anh em của chúng tôi”, trong khi một đối tượng khác dọa sẽ đưa quốc gia châu Âu này trở lại là “vùng đất của Vương quốc Hồi giáo (Caliphate)”.
Với những gì vừa xảy ra, niềm tin của người Tây Ban Nha vào một xứ sở an toàn đã sụp đổ. Thậm chí, họ đặt câu hỏi: Chính phủ và cảnh sát đã làm gì khi để “lọt lưới” một nhóm khủng bố như vậy.
Kể từ năm 2004 đến nay, Tây Ban Nha có lẽ không phải là mục tiêu trả thù của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Vụ việc gây sốc nhất ở đất nước này trước đó là vụ đánh bom tàu điện ngầm ở thành phố Madrid làm 192 người chết, vốn được xem là sự kiện 11-9 của Tây Ban Nha. Giờ đây, “bóng ma” khủng bố với lời đe dọa của IS đang ám ảnh “thiên đường an toàn” Tây Ban Nha, khiến nước này đặt tình trạng báo động ở mức 4 trong thang cảnh báo 5 mức về nguy cơ tấn công khủng bố.
Trong khi đó, khoảng 200 người Hồi giáo xuống đường biểu tình tại thành phố Granada, miền nam Tây Ban Nha, phản đối việc chống lại cộng đồng Hồi giáo. Theo ông Nizar Liemlahi, Chủ tịch Hội Văn hóa Hồi giáo Dar Loughat, số lượng những kẻ tấn công khủng bố là người Hồi giáo chỉ chiếm 0,1% cộng đồng này và những kẻ đó “không đại diện cho các giá trị hay nguyên tắc của đạo Hồi”.
Ngày 24-8, cảnh sát Hà Lan phong tỏa một phần khu phố ở trung tâm Amsterdam sau khi phát hiện chất nổ, đồng thời bắt giữ 2 nghi can. Trước đó, cảnh sát thành phố Rotterdam của Hà Lan yêu cầu hủy buổi trình diễn của nhóm nhạc rock Allah-Las sau khi nhận được cảnh báo từ giới chức Tây Ban Nha về nguy cơ tấn công khủng bố nhằm vào sự kiện này. |
PHÚC NGUYÊN