Quốc tế

Bầu cử Đức Thủ tướng Merkel chiếm ưu thế

10:33, 23/09/2017 (GMT+7)

Trong cuộc bầu cử ở Đức diễn ra ngày 24-9 tới, chiến thắng dường như thuộc về Thủ tướng Angela Merkel và liên minh cầm quyền của bà sẽ dẫn dắt cả châu Âu trong lúc đối mặt với nhiều khủng hoảng.

Thủ tướng Angela Merkel (bìa trái) chụp ảnh với những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử ở Kappeln.  Ảnh: AFP/Getty Images
Thủ tướng Angela Merkel (bìa trái) chụp ảnh với những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử ở Kappeln. Ảnh: AFP/Getty Images

Cuộc bầu cử liên bang của Đức được cho là một thỏa thuận đã xong khi tất cả thăm dò lớn đều dự đoán liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) với Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của Thủ tướng Angela Merkel sẽ giành chiến thắng, nghĩa là sẽ không có biến động chính trị ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo đó, bà Merkel sẽ giữ cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp - vị trí mà nhà lãnh đạo này đã nắm giữ kể từ năm 2005 đến nay.

Song, đó chỉ là cái nhìn thoáng qua. Còn thực chất phải chờ đến ngày 24-9, bởi dự báo sẽ có khoảng 34% cử tri không đi bầu, hoặc lưỡng lự không biết bỏ phiếu cho ai: liên minh CDU/CSU, hay đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông Martin Schulz - cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu; đồng thời cũng phải chờ xem những gì mà liên minh của bà Merkel mang lại sau cuộc bầu cử (nếu CDU/CSU giành chiến thắng).
Theo Reuters, tỷ lệ cử tri đi bầu thấp sẽ tạo cơ hội để các đảng cực hữu, cực tả trỗi dậy trong Quốc hội, như đảng Tương lai cho nước Đức (AfD), đảng Die Linke, hay đảng Dân chủ tự do (FDP) có tư tưởng tự do… Thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ những đảng này dao động ở mức từ 7-11%, đủ vượt qua mức 5% tối thiểu để có ghế tại Quốc hội. Riêng thăm dò dành cho AfD cho thấy tỷ lệ ủng hộ khoảng 11%, có thể gây bất ổn cho các đảng chính thống ở Đức.

Vấn đề đang được quan tâm nhất là đảng của bà Merkel sẽ liên minh với đảng nào. Reuters dẫn lời ông Andrew Bosomworth tại Pimco - một trong những quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới cho rằng, nếu bà Merkel chiến thắng và tiếp tục làm Thủ tướng thì “câu hỏi lớn nhất là bà sẽ thành lập liên minh với đảng nào khác”. Việc xây dựng liên minh sẽ phức tạp với sự có mặt của AfD - đảng theo chủ nghĩa dân túy, có tư tưởng bài ngoại, chống lại chính sách nhập cư và FDP trong Quốc hội sau khi 2 đảng này thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Tuy nhiên, sẽ khó có khả năng CDU/CSU liên minh với SPD thành “đại liên minh”, trừ khi SPD giành thắng lợi và được quyền dẫn dắt liên minh.

Giới quan sát cũng lo ngại bởi bài học nhãn tiền từ Mỹ và Anh đều cho thấy các cuộc bỏ phiếu cho kết quả ngược với dự đoán. Một kịch bản khác là CDU/CSU có thể hình thành liên minh với FDP. Song, FDP ít cởi mở trong việc hỗ trợ các nước khác thuộc khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone), lãnh đạo của đảng này cũng chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc tạo ra ngân sách chung cho khối tiền tệ duy nhất. Một số nhà đầu tư thậm chí lo ngại, liên minh CDU/CSU - FDP có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ mới trong eurozone. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Holger Schmieding lại cho rằng, sự hiện diện của FDP trong chính phủ sẽ không gây nguy hiểm cho cải cách của châu Âu.

Ngày 21-9, Thủ tướng Angela Merkel và đối thủ Martin Schulz bước vào giai đoạn tranh cử nước rút. Nữ lãnh đạo 63 tuổi gặp gỡ những người ủng hộ ở thành phố phía nam Munich, nơi đang diễn ra lễ hội bia Oktoberfest. Ông Schulz (61 tuổi), Chủ tịch SPD đến sân khấu ở quảng trường trung tâm Berlin để kêu gọi lá phiếu của cử tri.

Đối với nhiều người dân Đức, bà Merkel là một “người hùng” bởi chính sách mở cửa tiếp nhận người tị nạn trong cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng ở châu Âu. Họ tự hào về quyết định của người phụ nữ quyền lực nhất đất nước và cho rằng bà đã xử trí cuộc khủng hoảng tị nạn rất hiệu quả. Nhưng những người ủng hộ phe cực hữu lại muốn bà phải rời nhiệm sở.

Theo các nhà quan sát, cả châu Âu đang hướng về nước Đức, quốc gia đầu tàu của EU, bởi liên minh nào nắm quyền điều hành đất nước thì cũng phải dẫn dắt khối này đối phó với hàng loạt vấn đề: Brexit, khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ…

THIÊN BÌNH

.