Quốc tế

Thủ tướng Đức tìm đối tác lập chính phủ mới

08:10, 26/09/2017 (GMT+7)

Ngày 25-9, sau khi nhậm chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp, bà Angela Merkel bắt đầu đối mặt với nhiều thử thách, trong đó có việc xây dựng một chính phủ mới cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời giải quyết sự trỗi dậy của đảng cực tả Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vốn chống nhập cư và ủng hộ chủ nghĩa dân túy.

Kết quả cuộc bầu cử ngày 24-9 cho thấy tuy giành chiến thắng nhưng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của bà Merkel chỉ có 246/709 số ghế trong Quốc hội. CDU/CSU giành được 32,9% số phiếu bầu, vượt xa các đối thủ còn lại như đảng Dân chủ Xã hội - SPD (20,8%), đảng AfD (13,1%). Đây là kết quả tồi tệ nhất của CDU/CSU trong vòng gần 70 năm qua. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với con số 41,5% mà liên đảng CDU/CSU giành được năm 2013. Trong khi đó, AfD lần đầu tiên tiến vào Quốc hội và trở thành đảng lớn thứ 3 trong cơ quan lập pháp Đức.

Trong lịch sử Đức chưa từng có một chính phủ thiểu số và dù chỉ chiếm chưa tới 35% số ghế trong Quốc hội mới nhưng bà Merkel vẫn khẳng định không muốn thử lựa chọn này. Như vậy, lựa chọn chính trị hợp lý nhất hiện nay là tạo lập một liên minh 3 bên giữa liên minh đảng cầm quyền, đảng Dân chủ tự do (FDP - chiếm 76/709 ghế) và đảng Xanh (chiếm 66/709 ghế). Bà Merkel sẽ phải có nhiều cuộc đối thoại để bảo đảm liên minh giữa các đảng có truyền thống nghi ngờ lẫn nhau này, chưa kể giữa họ còn có nhiều quan điểm trái chiều trong các vấn đề nhập cư, chính sách tài khóa châu Âu, tương lai của ngành công nghiệp ô-tô…

Ngoài ra, các đồng minh bảo thủ cũng đang tạo áp lực buộc Thủ tướng Đức phải phản ứng hiệu quả đối với việc AfD trở thành đảng lớn thứ ba trong Quốc hội với 94 ghế.

KHANG NINH

.