Quốc tế
Catalonia đòi độc lập: Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng
Tây Ban Nha tuyên bố sẽ đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalonia nếu nghị viện vùng này tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10.
Cảnh sát ngăn cản những người biểu tình trên đường phố ở Barcelona. Ảnh: AP |
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha được công bố ngày 2-10 cho thấy, hơn 2 triệu người Catalonia (90,9% số người đi bỏ phiếu) chọn “có” và chỉ 7,87% nói “không”. Kết quả này tuy đang chờ nghị viện Catalonia quyết định nhưng đẩy Tây Ban Nha vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ năm 1975 đến nay. Hình ảnh cảnh sát chống bạo động dùng dùi cui và bắn đạn cao su để giải tán đám đông trong cuộc trưng cầu dân ý làm 893 người bị thương đã gây sốc cho nhiều người ở Tây Ban Nha và những nước láng giềng ở châu Âu.
Hãng AFP cho biết, ngày 2-10, chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ ngăn chặn Catalonia, khu vực giàu có phía đông bắc, tuyên bố độc lập. Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala khẳng định có thể sử dụng điều 155 của Hiến pháp để đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalonia nếu nghị viện vùng này tuyên bố độc lập. Theo điều 155, chính phủ Trung ương có thể đình chỉ các quyền tự trị của Catalonia.
Cũng trong ngày 2-10, chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy tổ chức họp khẩn. Nhà lãnh đạo Tây Ban Nha tái khẳng định quan điểm của chính phủ rằng, cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp. Trong lúc đó, lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont kêu gọi vai trò trung gian quốc tế để giúp giải quyết khủng hoảng và yêu cầu cảnh sát được chính phủ điều đến rời khỏi khu vực này. Phản ứng trước tình trạng bạo lực, ông Puigdemont cho rằng, chính phủ Trung ương đã “viết một trang đáng xấu hổ trong lịch sử với Catalonia”, đồng thời nhấn mạnh chính quyền nơi đây không có kế hoạch tách khỏi Tây Ban Nha đột ngột, mà chỉ muốn có “sự hiểu biết mới đúng đắn”.
Một số nhân vật hàng đầu trong đảng cực tả Podemos đòi Thủ tướng Rajoy từ chức. Hàng trăm người dân cũng tập trung ở trung tâm Barcelona ngày 2-10 nhằm biểu tình phản đối việc cảnh sát dùng bạo lực.
Theo Reuters, những phát biểu nói trên của ông Puigdemont tạo ra thách thức mới cho Thủ tướng Rajoy, người có quyền sa thải chính quyền khu vực và đặt Catalonia dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung ương trong thời gian chờ bầu cử mới. Ông Puigdemont cũng kêu gọi cuộc họp khẩn của chính quyền khu vực và cho biết Calalonia sẽ thành lập một ủy ban điều tra các cáo buộc cảnh sát lạm quyền.
Trong phản ứng đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) thúc giục tất cả các bên chuyển từ trạng thái đối đầu sang đối thoại và nói rằng bạo lực không nên có trong chính trị. Hiện tại, EU, Mỹ và hầu hết các cơ quan quốc tế đều ủng hộ Tây Ban Nha và quan điểm của chính phủ Madrid chống lại việc Catalonia ly khai.
Thực chất, căng thẳng giữa chính phủ Tây Ban Nha và Catalonia có từ rất lâu trong lịch sử. Riêng khoảng 10 năm nay, căng thẳng này lại dấy lên. Cụ thể, năm 2006, Tây Ban Nha ban hành luật tự trị cho Catalonia nhưng Tòa án Hiến pháp hủy bỏ và sửa đổi một phần luật này vào năm 2010, theo đó cho rằng Catalan là “quốc tịch”, Catalonia không phải là “quốc gia”. Điều này khiến người dân Catalonia phẫn nộ và tin rằng, họ không phải là người Tây Ban Nha.
Hiện những người phản đối việc ly khai cho rằng, nền kinh tế của Catalonia sẽ bị ảnh hưởng. Nếu ly khai, Catalonia sẽ không thể sớm gia nhập EU mà không có sự đồng ý của các thành viên liên minh, trong đó có Tây Ban Nha. Nhà kinh tế học Stephen Brown tại Capital Economics nhận định, Catalonia cũng sẽ không có tên trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nghĩa là sẽ gặp nhiều rào cản về thương mại…
Chính quyền Catalonia cho biết, 2,26 triệu người tham gia cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 1-10, chiếm hơn 43% dân số vùng giàu có ở đông bắc Tây Ban Nha này. Catalonia chiếm 6% lãnh thổ Tây Ban Nha và 16% dân số (7,5 triệu người) nhưng mức đóng góp lên đến 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/4 tổng lượng xuất khẩu. |
PHÚC NGUYÊN