Quốc tế
Catalonia: Trở lại hay bị trừng phạt?
Chính phủ Tây Ban Nha ra “tối hậu thư” cho nhà lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont trong 5 ngày phải làm rõ lập trường của ông về việc tuyên bố độc lập.
Những người ủng hộ độc lập của Catalonia vui mừng khi ông Carles Puigdemont ký vào tuyên bố nhưng tuyên bố này bị “treo” để mở đường đối thoại với chính phủ Madrid. Ảnh: Getty Images |
Theo đó, đến sáng 16-10, ông Carles Puigdemont phải xác nhận có tuyên bố độc lập hay không, trước khi chính phủ dùng điều 155 của Hiến pháp đình chỉ quyền tự trị của Catalonia. Hãng AP dẫn lời Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói rằng, phản hồi của ông Puigdemont đối với “tối hậu thư” sẽ quan trọng trong việc quyết định “các sự kiện trong những ngày tới”.
“Tối hậu thư” của chính phủ được đưa ra sau khi người đứng đầu Catalonia nói rằng, ông dùng chiến thắng của cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10 vừa qua để tuyên bố về sự độc lập của vùng này. Ông đã ký vào tuyên bố mang tính biểu tượng đó nhưng hiện “treo” tuyên bố trong một vài tuần để đối thoại và hòa giải với chính phủ Trung ương Madrid.
Theo Thủ tướng Rajoy, nếu xác nhận tuyên bố độc lập, thành lập một nhà nước Cộng hòa Catalonia mới, ông Puigdemont sẽ có thêm 3 ngày để rút lại, nghĩa là phải ngừng thực thi tuyên bố này. Nếu không, chính phủ sẽ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp hủy bỏ quyền tự trị của Catalonia. Ông Rajoy bác bỏ vai trò trung gian tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng; đồng thời cảnh báo rằng một Catalonia ly khai sẽ không được châu Âu công nhận và đi kèm là những cái giá đắt cho vùng này. “Không thể có sự hòa giải giữa luật dân chủ với sự trái pháp luật”, ông Rajoy nói, hàm ý đá quả bóng về phía các nhà chức trách Catalonia. Nhà lãnh đạo này cũng lý giải, chính phủ Trung ương “muốn sự ổn định cho công dân”.
Hãng Reuters cho rằng, động thái của Thủ tướng Rajoy làm gia tăng đối đầu giữa Madrid với khu vực giàu có phía đông bắc, nhưng cũng là những dấu hiệu mở ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Tây Ban Nha kể từ sau vụ đảo chính quân sự thất bại năm 1981 đến nay.
Theo các nhà phân tích, chưa rõ Catalonia có trả lời “tối hậu thư” hay không nhưng đây quả là bài toán khó cho giới chức địa phương này. Nếu ông Puigdemont khẳng định ông vẫn tuyên bố độc lập, lập tức chính phủ Trung ương sẽ có phản ứng mạnh mẽ. Ngược lại, đảng cực tả CUP sẽ có thể rút lại sự ủng hộ đối với chính quyền thiểu số của ông Puigdemont. Phó Giám đốc Công ty Nghiên cứu Teneo Intelligence có trụ sở tại London (Anh) Antonio Barroso nhận định: Thủ tướng Rajoy có 2 mục tiêu: Nếu ông Puigdemont vẫn mơ hồ, phong trào ủng hộ độc lập sẽ bị chia rẽ hơn. Nếu ông Puigdemont kiên quyết đòi độc lập, ông Rajoy sẽ áp dụng điều 155 của Hiến pháp. “Dù sao mục đích của ông Rajoy là trước hết phải khôi phục luật pháp ở Catalonia và điều này có thể dẫn đến cuộc bầu cử sớm ở khu vực”, ông Barroso nói.
Theo một quan chức EU, ông Puigdemont “dường như đã lắng nghe lời khuyên và không làm những điều ngược lại”. Các nhà quan sát cũng cho rằng, việc ông Puigdemont chần chừ không tuyên bố độc lập nhằm mở đường cho các cuộc đối thoại với chính phủ Trung ương. Hơn nữa, trước sức ép và sự phản đối ngày càng tăng từ nhiều phía, trong đó có cả Liên minh châu Âu (EU), phe ly khai ở Catalonia không dám tuyên bố độc lập ngay.
Thực tế vẫn có cửa đối thoại, bởi Madrid đương nhiên muốn tháo gỡ khủng hoảng và không hề muốn mất Catalonia - khu vực đóng góp 1/5 GDP của đất nước. Trừng phạt Catalonia là chuyện chẳng đặng đừng. Để tháo ngòi căng thẳng hiện tại, tránh sự chia rẽ, giải pháp tốt nhất là chính phủ chấp nhận đàm phán, trao lại cho người dân Catalonia nhiều hơn những quyền tự trị mà họ mong muốn. Vấn đề là Madrid có chịu “xuống thang” phần nào hay không!
PHÚC NGUYÊN