Quốc tế

"Cơn địa chấn" Catalonia chia rẽ Tây Ban Nha

08:10, 09/10/2017 (GMT+7)

Khủng hoảng chính trị từ việc Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha đang chia rẽ đất nước này, tạo thành “cơn địa chấn” chưa từng có.

Những người biểu tình kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng chính trị. Họ mang theo những biểu ngữ với dòng chữ như “Tất cả những gì chúng tôi cần là đối thoại”.        Ảnh: AFP
Những người biểu tình kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng chính trị. Họ mang theo những biểu ngữ với dòng chữ như “Tất cả những gì chúng tôi cần là đối thoại”. Ảnh: AFP

Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết, ông không loại trừ việc dùng Hiến pháp để hủy bỏ quyền tự trị của Catalonia nếu khu vực giàu có ở phía đông bắc này tuyên bố độc lập. Song, kể từ cuộc trưng cầu dân ý của Catalonia ngày 1-10 vừa qua với 90% số người bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha, đến nay Thủ tướng Rajoy vẫn mơ hồ trong việc có dùng điều 155 của Hiến pháp để đình chỉ quyền tự trị của Catalonia, sa thải chính quyền địa phương và kêu gọi bầu cử mới hay không.

Trả lời phỏng vấn báo El Pais của Tây Ban Nha, ông Rajoy trả lời chung chung: “Tôi không loại trừ bất kỳ điều gì trong khuôn khổ pháp luật… Lý tưởng nhất là không cần thiết thực hiện những giải pháp cực đoan nhưng để điều đó không xảy ra thì mọi thứ phải thay đổi”. “Chính phủ bảo đảm rằng, bất kỳ tuyên bố độc lập nào cũng không dẫn đến điều gì”, ông Rajoy nói. Chính phủ Madrid luôn khẳng định, cuộc bỏ phiếu ở Catalonia là bất hợp pháp theo Hiến pháp năm 1978. Những người dân ở Catalonia không đồng tình với việc ly khai cũng đã tẩy chay sự kiện trưng cầu dân ý vốn được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân túy theo kiểu Brexit.  

Hàng chục ngàn người xuống đường ở thủ đô Madrid và 50 thành phố trên khắp Tây Ban Nha vào ngày 7-10, yêu cầu đối thoại để giải quyết vấn đề Catalonia hoặc đoàn kết, thống nhất đất nước. Những người tham gia tuần hành mặc trang phục trắng, mang theo những biểu ngữ kêu gọi hòa bình và đối thoại giữa các nhà lãnh đạo. Riêng tại Barcelona ngày 8-10 có hàng trăm người tuần hành phản đối việc chính quyền Catalonia đòi ly khai.

Hãng Reuters cho rằng, “cơn địa chấn” chưa từng có lần này là phép thử đối với Thủ tướng Rajoy. Hơn nữa, khủng hoảng đang chia rẽ đất nước, khiến các ngân hàng và công ty lớn dời trụ sở ra ngoài Catalonia, làm chao đảo niềm tin vào nền kinh tế Tây Ban Nha. Hai ngân hàng lớn là Caixabank và Banco Sabadell cũng như Công ty năng lượng Gas Natural không muốn câu chuyện chính trị của Catalonia ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ; đồng thời, họ cũng không muốn bị đẩy ra khỏi thị trường Liên minh châu Âu (EU) nếu vùng tự trị này thật sự ly khai.

Khi chính phủ Madrid lên tiếng xin lỗi hồi cuối tuần qua về hành động trấn áp những người tham gia bỏ phiếu, có những dấu hiệu tích cực cho thấy hai bên có thể tìm cách giảm căng thẳng. Tuy nhiên, theo AFP, những tín hiệu này rất đỗi mong manh bởi các nhà lãnh đạo Catalonia không từ bỏ kế hoạch tuyên bố độc lập. Bên cạnh đó, người đứng đầu vùng tự trị này, ông Carles Puigdemont, cho hay ông không liên hệ với chính phủ Trung ương để tháo gỡ khủng hoảng. “Hàng triệu người đã bỏ phiếu. Chúng tôi phải nói về điều này”, ông Puigdemont nhấn mạnh với đài TV3 ở Catalonia ngày 8-10.

Các nhà quan sát cho rằng, với việc có những bước đi không rõ ràng, chính phủ của Thủ tướng Rajoy đang thể hiện sự lúng túng và dường như không có khả năng thoát khỏi bế tắc hiện tại. Dù sao đi nữa, các quan chức chính phủ cũng không thể phản ứng quá mạnh mẽ bởi điều này sẽ dễ dàng “châm ngòi nổ” ở Catalonia. Nhưng nếu họ chần chừ thì mất một khu vực đóng góp 1/5 GDP cho đất nước.

Các thành viên EU lo ngại khủng hoảng không những tác động đến kinh tế Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn nhất trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung (eurozone), mà còn có thể lan rộng hơn. Các bộ trưởng tài chính của châu Âu ngày 9 và 10-10 sẽ nhóm họp thường niên tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo về “cơn địa chấn” đang diễn ra ở Tây Ban Nha, mặc dù đây không phải là chương trình nghị sự chính thức.

VĨNH AN

.