Quốc tế

Triển vọng thế giới không vũ khí hạt nhân

08:45, 07/10/2017 (GMT+7)

Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) vừa được công bố là chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2017. Điều này mở ra triển vọng về việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành của ICAN, cùng các thành viên của tổ chức vui mừng khi biết giành được giải Nobel Hòa bình.   Ảnh: Reuters
Bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành của ICAN, cùng các thành viên của tổ chức vui mừng khi biết giành được giải Nobel Hòa bình. Ảnh: Reuters

Ủy ban Nobel Na Uy, vốn cảnh báo về nguy cơ gia tăng chiến tranh hạt nhân và căng thẳng leo thang xung quanh chương trình tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, ngày 6-10 tặng giải thưởng Nobel Hòa bình cho một nhóm chiến dịch ít được biết đến: ICAN, một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ thuộc hơn 100 nước trên thế giới. Hãng Reuters cho rằng, giải Nobel Hòa bình năm nay mở ra triển vọng về khả năng phê chuẩn hiệp ước mới cấm vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen cho biết, giải thưởng Nobel Hòa bình cao quý được trao cho ICAN bởi “công việc của họ hướng sự chú ý đến những hệ quả mang tính thảm kịch cho nhân loại nếu xảy ra việc sử dụng vũ khí hạt nhân, và vì những nỗ lực của họ nhằm đi đến việc ký kết hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”. “Một số quốc gia đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và mối nguy hiểm thật sự là có nhiều nước sẽ tìm cách mua vũ khí hạt nhân, như CHDCND Triều Tiên”, bà Reiss-Andersen nói, đồng thời nhấn mạnh: “Vũ khí hạt nhân là bất hợp pháp. Đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là bất hợp pháp. Có vũ khí hạt nhân, sở hữu vũ khí hạt nhân, phát triển vũ khí hạt nhân đều bất hợp pháp”.

Ủy ban Nobel Na Uy gây ngạc nhiên khi trao giải thưởng cho  nhóm chiến dịch ICAN hơn là công nhận thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran và nhóm cường quốc P5+1 đã ký kết năm 2015. Theo Reuters, giải thưởng lần này sẽ thúc đẩy nỗ lực giải giáp hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng về hạt nhân giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, cũng như số phận mong manh của thỏa thuận hạt nhân Iran. Xung quanh quyết định này, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng, Ủy ban Nobel Na Uy có cách riêng của mình.  

Trong khi đó, theo AFP, việc ICAN được trao giải Nobel Hòa bình là thông điệp mạnh mẽ đối với các quốc gia sở hữu hạt nhân giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cảnh báo có thể buộc phải “hủy diệt hoàn toàn” CHDCND Triều Tiên.

ICAN được thành lập tại Vienna (Áo) năm 2007, hiện có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Nhiều thập niên qua, ICAN nỗ lực nhằm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mạnh mẽ và hiệu quả. Một trong những thành quả lớn nhất của ICAN là thúc đẩy Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua hiệp ước mới về cấm vũ khí hạt nhân vào tháng 7-2017 với 122 nước tham gia. Song, hiệp ước này chỉ được xem là mang tính biểu tượng do không có nước nào trong số 9 cường quốc hạt nhân thế giới ký kết; hơn nữa, hiệp ước vẫn cần được phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Vì vậy, thông báo của Ủy ban Nobel Na Uy cũng kêu gọi các cường quốc hạt nhân nên có những “cuộc thương lượng nghiêm túc” để loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước nói trên gồm các điều khoản cấm các nước thành viên phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nước thành viên phải cam kết không cho các quốc gia đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ cũng như tại các khu vực trong phạm vi tài phán và kiểm soát của mình.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng khẳng định thế giới hiện vẫn còn khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân và không thể để những vũ khí hủy diệt này gây nguy hiểm. LHQ hoan nghênh việc ICAN giành giải Nobel Hòa bình. Phát biểu với báo chí tại Geneva, người phát ngôn LHQ Alessandra Vellucci gọi đây là “điềm lành” cho việc phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cũng chúc mừng ICAN và nhấn mạnh: “Chúng ta chia sẻ cam kết mạnh mẽ để đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Năm nay, có 318 đề cử (trong đó có 215 cá nhân và 103 tổ chức) cho giải Nobel Hòa bình, ít hơn con số được coi là kỷ lục của năm ngoái với 376 đề cử.

Giải Nobel Hòa bình trị giá 1,1 triệu USD sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10-12 tới. Tổng cộng 97 giải Nobel Hòa bình được trao trong giai đoạn 1901-2016, trong đó 16 phụ nữ nhận giải thưởng cao quý này.

PHÚC NGUYÊN - KHANG NINH

.