Quốc tế
G7 đối phó với các tay súng nước ngoài
Việc đối phó với các tay súng nước ngoài là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất mà phương Tây đang đối mặt và là chủ đề được bàn thảo tại hội nghị Bộ trưởng Nội vụ nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở đảo Ischia của Ý.
Các Bộ trưởng Nội vụ G7 lo ngại các tay súng sau khi chiến đấu cho IS sẽ trở về châu Âu. Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho biết, nhóm họp tại đảo Ischia trong hai ngày 19 và 20-10, các bộ trưởng G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) bàn giải pháp đối phó với khả năng các tay súng nước ngoài trở lại châu Âu sau khi lực lượng này rời khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hội nghị diễn ra chỉ vài ngày sau khi lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hỗ trợ giải phóng hoàn toàn thành phố Raqqa khỏi sự kiểm soát của IS. Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng, các phần tử IS tại Syria cũng như Iraq sẽ trở về nước và thực hiện các vụ tấn công.
Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Ý Marco Minniti cảnh báo, các chiến binh thánh chiến đang có kế hoạch tấn công trả đũa nhằm vào châu Âu. Ông Minniti ước tính khoảng 25.000 - 30.000 tay súng nước ngoài từ 100 nước đã gia nhập IS. Một số phần tử đã bị tiêu diệt, những tay súng còn lại sẽ tìm cách trở về châu Âu và Bắc Phi.
Ngày 19-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, G7 sẽ đề nghị “ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với những nỗ lực của Ý khi hợp tác với giới chức Libya”. Ông Tusk gọi đây là “cơ hội thật sự để đóng cửa tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải”. Nghị sĩ người Pháp tại Nghị viện châu Âu Arnaud Danjean và Bộ trưởng Nội vụ Ý Marco Minniti đều cho rằng, việc đóng cửa các tuyến đường bộ, đường biển từ châu Phi đến Libya và qua Địa Trung Hải tới châu Âu là điều cần thiết.
Ý đóng vai trò lớn trong việc huấn luyện lực lượng bảo vệ bờ biển Libya ngăn chặn các vụ buôn người trên lãnh hải quốc gia Bắc Phi này, cũng như đưa ra các thỏa thuận gây tranh cãi với Libya trong việc ngăn người nhập cư. Theo AFP, từ đầu năm 2017 đến nay, số di dân từ quốc gia đang rơi vào khủng hoảng này giảm 20%.
Từ năm 2014-2016, hàng chục nghìn công dân từ các nước phương Tây đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS. Nhiều đối tượng cực đoan trong số này sau đó về nước và tiến hành các vụ tấn công. Các nước thời gian qua cũng đã thắt chặt kiểm soát biên giới nhưng giới chức an ninh vẫn cảnh báo khả năng xảy ra những cuộc tấn công mới.
Hãng AFP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, từ vài tháng trước, hầu hết các chiến binh nước ngoài của IS đã bỏ chạy khỏi Syria. Những kẻ ở lại có thể sẽ trà trộn vào dòng người di cư để đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi tìm đường đến châu Âu nhằm trả thù việc các chính phủ châu lục này đã hủy hoại “đế chế” của chúng. Những đối tượng này sẽ tạo ra những mối đe dọa về an ninh nghiêm trọng cho các nước phương Tây.
Vài ngày trước, tại London (Anh), quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Elaine Duke cho rằng, những kẻ khủng bố “cảm thấy vui với những âm mưu nhỏ” cho đến khi chúng thực hiện một vụ tấn công kế tiếp theo kiểu vụ 11-9 ở Mỹ. “Giới tình báo đã chỉ rõ, chúng (những kẻ khủng bố) muốn hạ máy bay”, bà Duke nói. Vị quan chức này đồng thời cảnh báo một vụ tấn công bằng xe tải hoặc bằng vũ khí hạng nhẹ, gây ra khủng bố và tiếp tục phá hủy thế giới nhưng không có nghĩa lực lượng này từ bỏ âm mưu tấn công nhằm vào ngành hàng không.
Điều đáng lưu ý tại hội nghị Bộ trưởng Nội vụ nhóm G7 là lần đầu tiên có sự tham dự của đại diện các “ông lớn” về công nghệ như: Google, Microsoft, Facebook và Twitter. Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Ý Marco Minniti cho rằng, Internet đóng vai trò quyết định đối với hành vi cực đoan, hơn 80% các cuộc trò chuyện và hành vi cực đoan xảy ra trên mạng. |
PHÚC NGUYÊN