Quốc tế

Thủ tướng Anh đổi chiến thuật Brexit

08:34, 20/10/2017 (GMT+7)

Thủ tướng Theresa May cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các công dân Liên minh châu Âu (EU) có thể ở lại Anh sau khi nước này chính thức rời khối.

Thủ tướng Anh Theresa May muốn tháo gỡ bế tắc trong đàm phán Brexit. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Theresa May muốn tháo gỡ bế tắc trong đàm phán Brexit. Ảnh: Reuters

Cam kết nói trên được Thủ tướng Theresa May đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh quan trọng của các nhà lãnh đạo châu Âu. Thông điệp của bà May là chiến thuật thay đổi trọng tâm thảo luận nhằm tạm thời tháo gỡ thế bế tắc đàm phán về “hóa đơn ly dị” giữa hai bên. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Anh cho rằng, bà May không thay đổi lập trường về thỏa thuận tài chính nhưng chuyển trọng tâm thảo luận sang vấn đề quyền lợi của công dân EU tại Anh - một trong 3 vấn đề EU cần giải quyết trước khi tiếp tục đàm phán. Bà May nêu cam kết trên tài khoản Facebook: “Các công dân EU sống tại Anh đã có những đóng góp to lớn với đất nước chúng tôi. Chúng tôi muốn họ cũng như gia đình họ ở lại đây. Tôi không thể nói rõ ràng hơn. Nhưng các công dân EU đang sống hợp pháp ở Anh sẽ vẫn có thể sống tại đây”.

Mất thế đa số tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6 vừa qua, đảng Bảo thủ của Thủ tướng May rõ ràng “yếu ớt” hơn nhiều trong việc đưa ra những quyết sách thương thuyết với EU về vấn đề Brexit. Với việc khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho công dân EU tại Anh (hiện có khoảng 3 triệu người), bà May hẳn kỳ vọng có thể thuyết phục được lãnh đạo EU có những biện pháp nới lỏng thỏa hiệp về chuyện rời khối của nước Anh, tiếp tục bàn thêm những vấn đề quan trọng khác, chẳng hạn như thương mại, thay vì chỉ chăm chú vào khoản tiền bồi thường khi nước Anh ra đi.

Đến nay, các nhà lãnh đạo EU vẫn bác bỏ chuyện hai bên sẽ thương lượng thêm về những vấn đề khác trước khi nói chuyện “tiền bạc phân minh”, đồng thời yêu cầu nước Anh phải chấp nhận thanh toán “hóa đơn ly dị” ở mức cao hơn so với những gì bà May đồng ý (khoảng 20 tỷ euro). Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh cho rằng, bà không thể làm như vậy cho đến khi hiểu rõ mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU. Vả lại, nếu nâng mức thanh toán này lên, bà sẽ “chọc giận” một số thành viên cấp cao trong đảng, những người sẵn sàng lựa chọn một người kế nhiệm khác thay thế bà May nếu họ không thỏa mãn với quyết sách của bà.

Dù vậy, giới quan sát quốc tế cho rằng, cam kết đó của bà May chắc chắn không làm thay đổi kết quả kỳ họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 19 và 20-10. Thực tế, trong nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo châu Âu dự đoán, họ có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Tuy nhiên, động thái mới của bà May cho thấy, chính phủ Anh đang theo đuổi lộ trình đàm phán mới, áp dụng phương pháp tiếp cận mềm mỏng hơn để giành được sự đồng thuận của những người đại diện đàm phán cho EU trong trường hợp không có “cái gật đầu” của tất cả thành viên thuộc liên minh.

Tuyên bố của Thủ tướng May cũng cho thấy, bà đang buộc phải có những nhượng bộ nhất định liên quan tới Brexit trong bối cảnh sức ép từ chính nội bộ đảng Bảo thủ gia tăng. Ngày 19-10, một nhóm chính trị gia và doanh nhân công bố bức thư ngỏ của họ gửi bà May, trong đó nói rằng trừ khi các nhà lãnh đạo EU thay đổi lập trường và chấp nhận đàm phán về vấn đề thương mại, còn không bà May có thể dừng đàm phán.

Cũng theo bức thư, nước Anh nên chính thức tuyên bố tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 30-3-2019, thời điểm quyết định Brexit có hiệu lực. Căn cứ mốc thời gian này, chỉ còn 17 tháng nữa nước Anh sẽ chính thức rời EU. Vì thế, bà May đang bị dồn ép với áp lực phải đả thông các cuộc đàm phán, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ nước Anh rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Theo đó, chính phủ Anh sẽ rơi vào tình trạng rối mù về các điều kiện thương mại và có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới.

Trong hai ngày 19 và 20-10, 27 nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh để đánh giá lại toàn bộ “tiến bộ” của quá trình đàm phán Brexit. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, sẽ không có “đột phá” nào tại hội nghị thượng đỉnh lần này nhưng rất có thể sẽ đạt được những tiến bộ cụ thể tại phiên họp vào tháng 12 tới.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.