Quốc tế
Khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha: Khó có đối thoại
Chính phủ Tây Ban Nha bác bỏ lời kêu gọi hòa giải của lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont liên quan đến yêu cầu độc lập cho đến khi Catalonia từ bỏ kế hoạch ly khai.
Một người dân vẽ cờ Catalonia trên mặt khi tham gia biểu tình ở Barcelona nhằm ủng hộ khu vực đông bắc này độc lập. Ảnh: AP |
Khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha càng leo thang, nhất là khi có những đồn đoán rằng, lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont sẽ đơn phương tuyên bố độc lập vào ngày 9-10 tới. Báo Independent của Anh đặt vấn đề: Một tuyên bố như vậy sẽ có ý nghĩa thực tiễn như thế nào đối với Tây Ban Nha?
Theo AFP, Liên minh châu Âu (EU) hiện thúc giục đối thoại để tháo gỡ căng thẳng giữa chính phủ Madrid với Catalonia nhưng dường như các nhà lãnh đạo khu vực giàu có ở đông bắc này không dừng kế hoạch ly khai, trong khi chính phủ tỏ thái độ cứng rắn. “Chính phủ sẽ không đàm phán về bất kỳ điều gì bất hợp pháp và sẽ không chấp nhận hành động tống tiền”, tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nêu rõ. Tuyên bố còn nhấn mạnh: Nếu ông Puigdemont muốn đối thoại hoặc hòa giải về tương lai của Catalonia, trước hết ông phải tôn trọng luật pháp. Trong khi đó, ông Puigdemont chỉ trích sự can thiệp của Nhà vua Felipe VI và việc chính phủ bác bỏ khả năng đàm phán. Ông Puigdemont cho rằng, Nhà vua đã cố tình bỏ mặc hàng triệu người Catalonia khi muốn khu vực này chấm dứt nỗ lực đòi độc lập.
Các lãnh đạo Catalonia kêu gọi nghị viện tổ chức họp vào ngày 9-10 để đánh giá kết quả cuộc trưng cầu dân ý và khu vực này có thể tuyên bố độc lập dựa theo diễn biến của phiên họp. Nghị sĩ Mireia Boya ở Catalonia bày tỏ: “Chúng tôi biết sẽ có thể có những vụ bắt bớ… Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng và không có việc ngừng lại” bà Boya viết trên Twitter. Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild của Đức phát hành ngày 5-10, ông Puigdemont cho biết ông không sợ bị bắt giữ.
Thực tế, chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án đều không dọa bắt ông Puigdemont nhưng Madrid cáo buộc ông vi phạm luật vì đã khước từ phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc cấm tiến hành trưng cầu dân ý, vốn mang lại kết quả là hơn 90% số người đi bỏ phiếu ủng hộ độc lập cho Catalonia. Hãng AFP cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong những thập niên qua và hình ảnh cảnh sát trấn áp người Catalonia tham gia cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 1-10 vừa qua làm dấy lên sự lo ngại của toàn cầu.
Điều đáng nói, theo Reuters, khủng hoảng hiến pháp ở Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong khối các nước sử dụng đồng euro không những đe dọa sự thống nhất của nước này, mà còn ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của EU và khu vực đồng tiền chung. Ngoài ra, khủng hoảng có thể khơi mào cho làn sóng ly khai trên khắp châu Âu, chẳng hạn như Scotland và Bắc Ireland ở Anh, đảo Corse ở Pháp… Với Tây Ban Nha, các nhà đầu tư quan ngại tình hình bất ổn ở Catalonia - khu vực đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội của đất nước, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.
Các nhà quan sát nhận định: Chưa thể đoán được điều gì sẽ diễn ra. Dường như giới chức Catalonia đang gây sức ép để “mặc cả” với chính phủ Madrid để đòi quyền tự trị lớn hơn, chứ chưa hẳn thật sự muốn ly khai.
Theo các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền, Thủ tướng Rajoy - nhà lãnh đạo bảo thủ có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề độc lập của Catalonia - đang xem xét một động thái chưa từng có: giải tán nghị viện Catalonia và tổ chức bầu cử ở khu vực này.
PHÚC NGUYÊN