Quốc tế
Vấn đề người Kurd hàn gắn Iran - Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc khủng hoảng mới tại Trung Đông với việc người Kurd ở Iraq đòi độc lập đang đưa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau. Ankara muốn Tehran gây áp lực để chính quyền khu vực người Kurd (KRG) ở Iraq rút lại kế hoạch tuyên bố độc lập.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) gặp gỡ người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại thủ đô Tehran. Ảnh: AFP |
Chuyến thăm Iran của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 4-10 là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang ấm lên giữa hai nước láng giềng, từng là đối thủ của nhau trong cuộc nội chiến ở Syria nhưng cả hai cùng phản đối cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd. Cả Iran lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều e ngại việc người Kurd ở Iraq ly khai thành công sẽ làm dấy lên hiệu ứng domino trong cộng đồng người Kurd ở hai quốc gia này.
Hãng AP cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có đến hơn 15 triệu người Kurd sinh sống nên Tổng thống Erdogan đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khu vực trong việc ngăn cản sự ly khai của người Kurd ở Iraq. Và hơn hết, Ankara muốn Tehran gây áp lực để KRG rút lại kế hoạch tuyên bố độc lập. Các nhà phân tích của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng, chuyến thăm này quan trọng đối với cả hai nước, nhất là về phương diện quân sự - khi Ankara đang xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với KRG và Irbil - thủ phủ khu vực người Kurd ở Iraq, trong đó có việc đóng cửa biên giới.
Cũng theo AP, cuộc trưng cầu dân ý nói trên vô hình trung khơi mào cho một khủng hoảng mới ở khu vực. Sau cuộc bỏ phiếu này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tập trận quân sự chung với Iraq và Iraq cũng tuyên bố tập trận chung với Iran. Song đến nay, chưa có một thỏa thuận nào đạt được trong việc diễn tập quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Về phương diện kinh tế, nhà báo - nhà phân tích Sinem Koseoglu của Đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Ankara sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn nếu quan hệ giữa nước này với người Kurd ở Iraq xuống dốc. Bà Koseoglu chỉ rõ: Ngoài châu Âu, KRG là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, thương mại giữa hai bên ước tính đạt ít nhất 7 tỷ USD và dự kiến gia tăng lên 14 tỷ USD trong năm nay. “Vì vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu các biện pháp trừng phạt được thực thi? Đó là lý do vì sao đến nay Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cửa các biên giới”, bà Koseoglu nói.
Đối với Iran, nếu nước này đóng cửa với KRG thì vẫn có các hành lang thương mại khác để đến Iraq. “Họ vẫn có thể tiếp tục bán sản phẩm thông qua chính phủ Trung ương ở Baghdad. Vì vậy, Iran không thiệt hại trong trường hợp này”, nhà phân tích Koseoglu nhận định.
Trên lãnh thổ Iran, ước tính có từ 6-8 triệu người Kurd sinh sống nhưng không có một phong trào ly khai đáng kể nào trong cộng đồng thiểu số này. Iran cũng duy trì mối quan hệ lâu dài với người Kurd ở Iraq. Người đứng đầu KRG Masoud Barzani vốn được sinh ra tại khu vực người Kurd ở Iran. Hơn nữa, trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, người Kurd đứng về phía Tehran chống lại ông Saddam Hussein và Iran đã mở cửa đón gia đình của các thủ lĩnh người Kurd trong cuộc xung đột đó.
Nhà báo - nhà phân tích của Đài Al Jazeera có trụ sở tại Iran, Rohollah Faghihi, cũng cho rằng, khủng hoảng từ cuộc trưng cầu dân ý nói trên đã làm vơi đi những khác biệt giữa Tehran và Ankara. Theo ông Faghihi, Iran không phản ứng “quá gay gắt” như Tổng thống Erdogan đã làm trong những ngày gần đây. Tuy vậy, ông Faghihi cho rằng, dù quan hệ Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đang ấm lên nhưng vẫn tồn tại sự thiếu niềm tin lẫn nhau.
THIÊN BÌNH