Quốc tế
Thủ tướng Shinzo Abe đã sẵn sàng sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản?
Chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện đã “dọn đường” cho Thủ tướng Shinzo Abe sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, nhưng liệu ông đã sẵn sàng?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters |
Thiên thời
Có thể nói, chưa bao giờ việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp lại có thể dễ dàng với Thủ tướng Shinzo Abe như hiện nay. Thắng lợi vang dội của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) cùng với việc các đảng phái ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp giành tới 80% số ghế trong Hạ viện khiến cho các chuyên gia dự đoán ông Abe sẽ sớm thực hiện điều này.
Dĩ nhiên, ông Abe cũng sẽ phải đối mặt với sự phản đối của Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP)- đảng lớn nhất công khai chống lại những đề xuất thay đổi Hiến pháp của Thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên, với việc CDP chỉ giành được 55 trong tổng số 465 ghế tại Hạ viện, tiếng nói của CDP được cho là “gần như không có tác động gì đáng kể” đến việc Hiến pháp Nhật Bản có thay đổi hay không.
Hơn thế nữa, CDP ngày càng bị cô lập khi Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, ông sẵn sàng mời các đảng phái đối lập khác, như Đảng Hy vọng của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike tham gia vào nỗ lực thúc đẩy Hiến pháp của mình. Ngoài ra, ông Shinzo Abe cũng chấp nhận nhượng bộ khi tuyên bố sẽ không khăng khăng giữ nguyên thời điểm thay đổi Hiến pháp vào năm 2020 như ông đã đề cập trước đây.
“Chúng tôi đã giành hơn 2/3 đa số ghế cần thiết để có thể tự đưa ra quyết định thay đổi Hiến pháp Nhật Bản nhưng chúng tôi vẫn muốn có được sự ủng hộ sâu rộng của cả liên minh cầm quyền và phe đối lập trong việc này”, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Sau đó chúng tôi cũng muốn người dân hiểu rõ về điều này để có thể nhận được sự tán thành của đa số nhân dân trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới”.
Tạo lập di sản cho Thủ tướng Abe
Ý định thay đổi Điều 9 trong Hiến pháp vì Hòa bình của Thủ tướng Shinzo Abe được cho là mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Những người ủng hộ bản Hiến pháp này coi đó là một bước đi quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng cho một “nền dân chủ thời hậu chiến” trong khi những người muốn thay đổi Hiến pháp như ông Abe lại coi đó là “sự áp đặt đáng xấu hổ” đối với thất bại của Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2.
Việc có thể thay đổi được Hiến pháp sẽ được coi là một chiến thắng dành cho Thủ tướng Shinzo Abe- người muốn khôi phục lại những di sản truyền thống. Ông Abe thường xuyên đề cập đến việc phải đặt trách nhiệm quốc gia cao hơn quyền lợi của mỗi cá nhân cũng như cần phải nới lỏng các quy định hạn chế đối với quân đội Nhật Bản- yếu tố then chốt trong việc sửa đổi Hiến pháp.
“Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng tạo lập di sản cho mình. Di sản đầu tiên của ông ấy chính là việc nỗ lực đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát. Di sản thứ 2 chính là việc tìm cách thay đổi Hiến pháp Nhật Bản. Các bạn có thể tranh luận về việc liệu ông ấy có tập hợp đủ quyền lực để làm được việc này hay không nhưng đó chính là yếu tố làm nên việc đánh giá thành bại của chính Thủ tướng Shinzo Abe”, ông Jesper Koll, Chủ tịch Quỹ WisdomTree Japan nhận định.
Việc thay đổi Hiến pháp Nhật Bản đòi hỏi sự ủng hộ của ít nhất 2/3 nghị sĩ tại cả 2 viện của Nhật Bản và sự đồng thuận của đa số người dân trong một cuộc trưng cầu ý dân công khai.
Nhà nghiên cứu Zentaro Kamei tại Viện PHP nhận định: “Tôi cho rằng các cuộc tranh luận về việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản sẽ sớm được tiến hành tại cả 2 viện của Quốc hội. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, lý do mà ông Abe đưa ra để đòi bầu cử sớm có liên quan đến chính sách thuế”.
Nhân không hòa
Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất thêm một câu vào Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản nhằm “hợp thức hóa” Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Trước đó, Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản cấm việc thiết lập một lực lượng quân đội chính quy và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là một đơn vị vũ trang không chính thức được thành lập chỉ với mục đích phòng vệ.
Hồi năm 2015, Quốc hội Nhật Bản đã lần đầu tiên thông qua luật cho phép Nhật Bản thực thi “quyền phòng vệ tập thể” để bảo vệ nước này cũng như các đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên, điều này chỉ được coi như “một sự diễn giải lại” thay vì sửa đổi Hiến pháp.
Dù vậy, phe phản đối, trong đó có Chủ tịch Đảng CDP Yukio Edano từng công khai tuyên bố điều đó là vi hiến. Trong khi đó, Đảng Công minh- một đảng nhỏ liên minh với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cũng bày tỏ thận trọng đối với việc sửa đổi Điều 9. Điều này được cho là xuất phát từ việc một số thành phần “bồ câu” trong Đảng này đã quay sang ủng hộ Đảng CDP.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy người dân Nhật Bản đang chia rẽ gay gắt trước đề xuất thay đổi Hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe. Một cuộc thăm dò do NHK tiến hành trước cuộc bầu cử Hạ viện cho thấy, 32% người Nhật ủng hộ, 21% phản đối và 39% không có quan điểm rõ ràng về việc này.
Hơn thế nữa, ông Shinzo Abe đang đối mặt với thách thức rất lớn trong việc thuyết phục người dân trong bối cảnh, dù Đảng LDP vừa thắng lớn tại cuộc bầu cử Hạ viện, có tới 51% cử tri cho biết họ không tin tưởng ông Abe. Điều này khiến cuộc trưng cầu ý dân sắp tới trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Theo VOV