Quốc tế
Đức rơi vào khủng hoảng
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chật vật duy trì vị trí của mình sau khi đàm phán thành lập liên minh chính phủ sụp đổ, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào khủng hoảng.
Thủ tướng Angela Merkel cam kết đưa nước Đức vượt qua khủng hoảng.Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho rằng, Đức đang đối mặt với khủng hoảng trong một vài tuần, thậm chí vài tháng khi chính phủ trong tình trạng “tê liệt”, một chính phủ “treo” hiện tại không thể đưa ra bất kỳ hành động chính sách mạnh mẽ nào. Đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới giữa đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp và đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường kết thúc vào đêm 19-11, rạng sáng 20-11 (giờ địa phương) mà không đạt được kết quả khi FDP tuyên bố rút khỏi bàn nghị sự.
Theo AFP, nếu không thể thành lập được chính phủ, Đức phải tổ chức bầu cử lại và kết quả có thể không như cuộc bỏ phiếu hồi tháng 9 vừa qua. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9, CDU/CSU giành 33% số phiếu ủng hộ, giúp đảng này tiếp tục nắm số ghế nhiều nhất ở Quốc hội (Bundestag) nhưng không chiếm đa số nên phải thành lập liên minh cầm quyền mới.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng đàm phán, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) Christian Lindner rút khỏi đàm phán, nói rằng “không có niềm tin cơ bản” để “bắt tay” với liên minh bảo thủ CDU/CSU và đảng Xanh. Ông Lindner cho biết, các đảng không chia sẻ “quan điểm chung trong việc hiện đại hóa” nước Đức. “Thà không cầm quyền còn hơn cầm quyền sai trái”, ông Lindner nói. Đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) - đối tác liên minh hiện tại của bà Merkel và cũng là đảng lớn thứ hai trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, cũng đã bác bỏ khả năng lặp lại liên minh với những người theo đường lối bảo thủ.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của FDP, đồng thời cam kết đưa Đức vượt qua khủng hoảng. “Là Thủ tướng, tôi sẽ làm mọi việc để bảo đảm đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng này”, bà Merkel nói. Các nhà lãnh đạo đảng Xanh cũng lo ngại sự sụp đổ của đàm phán và tin tưởng các bên mặc dù có những khác biệt nhưng sẽ đạt được thỏa thuận.
Đồng euro ngay lập tức sụt giảm. Song, các nhà phân tích cho rằng, chưa rõ tác động lâu dài hơn đối với tiền tệ này. Trên thị trường tiền tệ châu Á sáng 20-11, đồng euro giảm 0,4% so với đồng yên (Nhật Bản).
Hãng Reuters cho hay, vướng mắc của các đảng trong đàm phán là hàng loạt vấn đề, trong đó có chính sách nhập cư. Với chính sách tị nạn tự do của bà Merkel, hơn 1 triệu người tìm kiếm tị nạn đã vào Đức kể từ năm 2015 đến nay. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số cử tri đã bỏ phiếu cho đảng cực hữu “Con đường khác cho nước Đức” (AfD), giúp đảng này trỗi dậy trong Quốc hội. AfD chủ trương chống Hồi giáo và chống nhập cư.
Bên cạnh đó, các đảng cũng có quan điểm khác biệt trong vấn đề môi trường. Các nhà sinh thái học muốn loại bỏ than bẩn và ô-tô động cơ đốt trong, còn những người bảo thủ và FDP nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp và việc làm.
Hiện tại, bà Merkel có thể tìm cách thuyết phục SDP tham gia liên minh nhưng đây sẽ là thử thách khó khăn. Cũng có thể nhà lãnh đạo này sẽ điều hành một chính phủ thiểu số cùng với đảng Xanh nhưng dường như bà không muốn ở trong tình trạng bất ổn định như vậy. Vì thế, việc tổ chức bầu cử lại được cho là khả năng cao nhất. Tuy nhiên, nếu bầu cử lại, bà Merkel sẽ đối mặt nhiều rủi ro khi nội bộ CDU/CSU sẽ xem xét bà có phải là ứng cử viên tốt nhất để dẫn dắt họ trong một chiến dịch tranh cử mới hay không.
Nhật báo Bild bán chạy nhất ở Đức ngày 19-11 đã dự đoán thất bại của liên minh “Jamaica” sẽ làm vị trí của bà Merkel “lâm nguy”. Liên minh này được lấy cảm hứng từ quốc kỳ của Jamaica, gồm 3 màu đen, vàng và xanh lá, tương ứng với màu của CDU (đen), FDP (vàng) và đảng Xanh (xanh lá). Theo thăm dò của trang mạng Welt, 61,4% người dân Đức cho rằng đàm phán sụp đổ có nghĩa là sẽ đặt dấu chấm hết cho vị trí Thủ tướng của bà Merkel, trong khi chỉ 31,5% cho ý kiến ngược lại. |
PHÚC NGUYÊN