Mâu thuẫn Saudi ARABIA - Lebanon gia tăng

Chưa rõ số phận Thủ tướng Lebanon

.

Saudi Arabia ngày 9-11 yêu cầu mọi công dân nước này lập tức rời khỏi Lebanon. Đây là động thái cứng rắn đầu tiên của vương quốc Trung Đông với quốc gia vùng Địa Trung Hải.

Nhiều áp-phích in chân dung Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri treo tại thủ đô Beirut của Lebanon. 					Ảnh: Reuters
Nhiều áp-phích in chân dung Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri treo tại thủ đô Beirut của Lebanon. Ảnh: Reuters

Trong lúc đó, giới chức tại Beirut đòi Saudi Arabia thả ngay lập tức Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri, người bất ngờ tuyên bố từ chức hồi tuần trước khi xuất hiện trên truyền hình Saudi Arabia. Kể từ sau lần xuất hiện đó, ông Hariri chưa được hồi hương.

Trong lúc chính phủ Lebanon rơi vào bất ổn, giới chức Beirut cho biết, họ không nhận được tin tức gì từ ông Hariri kể từ sau khi ông đến Saudi Arabia. Ngày 9-11, đảng Phong trào tương lai của ông Hariri kêu gọi phía Riyadh trả tự do cho ông này vì “phẩm giá của một đất nước”. Báo Al-Akhbar thân với phong trào Hezbollah cho rằng, ông Hariri đang bị bắt giữ làm con tin tại Saudi Arabia.

Trong bài phát biểu xin từ chức được ghi hình trước phát sóng ngày 5-11, ông Hariri cáo buộc Iran và nhóm phiến quân Hezbollah can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của khu vực và bắt giữ con tin người Lebanon; đồng thời bày tỏ quan ngại rằng tính mạng của ông đang bị đe dọa. Động thái này làm chính phủ liên minh mới thành lập 1 năm tan rã và gây sốc với nhiều người Lebanon, trong đó có cả một số trợ lý của ông Hariri bởi họ không hề nhận thấy dấu hiệu nào trước đó cho thấy ông có ý định từ chức. Tổng thống Lebanon Michael Aoun cho biết, ông sẽ không chấp nhận việc từ chức của ông Hariri cho đến khi ông này trở về đất nước và giải thích rõ mọi việc.

Ông Hariri là con trai của cố Thủ tướng Rafik Hariri, người từng bị ám sát trong một vụ nổ ở thủ đô Beirut năm 2005. Ông Hariri là người có hai quốc tịch Lebanon và Saudi Arabia. Ông cũng có những quyền lợi kinh doanh tại vương quốc vùng Vịnh.

Đêm 8-11, chiếc máy bay riêng của ông Hariri cất cánh rời thủ đô Riyadh và trở về Beirut. Tuy nhiên, sau bao thắc thỏm chờ đợi, người Lebanon thất vọng vì người đứng đầu chính phủ của họ không có mặt trên máy bay này.

Tình huống trớ trêu khiến quốc gia nhỏ bé rơi vào hỗn loạn. Tuy nhiên, dường như nó khiến người dân Lebanon đoàn kết hơn trong mối thù hận của họ với Saudi Arabia.

Sau Saudi Arabia, các quốc gia vùng Vịnh khác là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait đã khuyến cáo công dân của mình không nên đi du lịch tới Lebanon, đồng thời yêu cầu các công dân đang ở Lebanon sớm rời khỏi nước này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.