Quốc tế

Thời khắc lịch sử cho Zimbabwe

08:10, 23/11/2017 (GMT+7)

Việc Tổng thống Robert Mugabe từ chức và thay thế ông sẽ là cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa được cho là sẽ mở ra một trang mới đối với quốc gia châu Phi này.

Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (giữa) sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 24-11. 				   Ảnh: AFP
Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (giữa) sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 24-11. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho rằng, người dân Zimbabwe sắp bước vào thời khắc lịch sử khi cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa nhậm chức Tổng thống tạm thời vào ngày 24-11 tới, chấm dứt hoàn toàn sự nắm quyền suốt 37 năm của nhà lãnh đạo độc tài Robert Mugabe. Ngày 22-11, ông Mnangagwa trở về nước để chuẩn bị lễ nhậm chức.

Trên đường phố Harare, người dân nhảy múa, reo hò khi tiếp nhận thông tin “kỷ nguyên” Mugabe kết thúc và ca ngợi Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga - người dẫn đầu cuộc “binh biến không đổ máu”. Sau khi quân đội giành quyền kiểm soát thủ đô, quản thúc Tổng thống, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình chống lại ông Mugabe. Chính việc ông Mugabe sa thải cựu đồng minh then chốt Mnangagwa, mở đường cho đệ nhất phu nhân 52 tuổi Grace lên nắm quyền, đã làm dấy lên phản ứng của quân đội, dẫn đến hàng loạt sự việc trong những ngày qua và nhà lãnh đạo 93 tuổi phải từ chức. Ông Mnangagwa sau khi rời đất nước vì bị sa thải đã tuyên bố không trở về nếu không bảo đảm an toàn.

Song, trong thư từ chức, ông Mugabe viết: “Quyết định từ chức của tôi là tự nguyện”, đồng thời bày tỏ mong muốn bảo đảm “sự chuyển giao quyền lực êm thấm, hòa bình và không bạo lực”. Trước đó, 230 nghị sĩ của Đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF) trong tổng số 260 nghị sĩ Quốc hội đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống.

ZANU-PF cũng xác nhận ông Mnangagwa có thể làm Tổng thống tạm thời, tức đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Mugabe cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9-2018.

Hiện chưa rõ số phận của ông Mugabe và bà Grace. Song, ZANU-PF nói rằng, ông vẫn được đối xử tôn trọng sau khi đã lãnh đạo đất nước gần 4 thập niên.

Theo nhà phân tích Derek Matyszak tại Viện Nghiên cứu An ninh có trụ sở tại thành phố Pretoria (tỉnh Gauteng, Nam Phi), thấy mình bị các nghị sĩ luận tội, ông Mugabe nhận ra tốt hơn hết là nên từ chức trước khi bị phế truất. Trong lúc đó, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, việc ông Mugabe từ chức mang lại cơ hội cho Zimbabwe đi trên con đường mới. Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini kêu gọi một giải pháp tôn trọng “những mong muốn của người dân Zimbabwe nhằm hướng đến tương lai thịnh vượng và dân chủ hơn”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gọi đây là “thời khắc lịch sử cho người dân Zimbabwe” để chấm dứt việc đất nước bị cô lập, đồng thời nhấn mạnh tương lai của Zimbabwe phải do người dân quốc gia này quyết định.

Hầu hết trong số 16 triệu người Zimbabwe hiện vẫn nghèo, thiếu thốn các dịch vụ cơ bản và tình trạng thất nghiệp cao. Theo nhà phân tích đầu tư ngân hàng Exotix Capital ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), ông Hasnain Malik, việc chuyển giao từ ông Mugabe sang ông Mnangagwa có thể đánh dấu một bước đi lớn và tích cực, đưa Zimbabwe trở lại “tầm ngắm” của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, tương lai của Zimbabwe vẫn là dấu hỏi, bởi nhiệm vụ khó khăn nhất của chính phủ mới là phải vực dậy nền kinh tế đang tồi tệ nhất trong khu vực và kiên quyết chống tham nhũng.

PHÚC NGUYÊN

.