Quốc tế

"Tối hậu thư" của Tổng thống Ai Cập

08:17, 30/11/2017 (GMT+7)

Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi yêu cầu lực lượng an ninh trong 3 tháng phải khôi phục “an ninh và ổn định” ở phía bắc bán đảo Sinai, nơi vừa xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Ai Cập hiện đại.

Lực lượng an ninh Ai Cập chống lại một nhánh của IS trên bán đảo Sinai suốt  3 năm qua. Ảnh: AFP
Lực lượng an ninh Ai Cập chống lại một nhánh của IS trên bán đảo Sinai suốt 3 năm qua. Ảnh: AFP

Khu vực phía bắc bán đảo Sinai được cho là “tâm chấn” một cuộc nổi dậy tàn bạo của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Vụ tấn công nhằm vào một đền thờ ở làng al-Rawdah trên bán đảo Sinai làm 305 người chết và 128 người khác bị thương ngày 24-11 là nỗi kinh hoàng đối với người dân Ai Cập. Hãng AFP cho biết, các tay súng không hề che giấu danh tính; trái lại còn trưng tấm biển màu đen và mang cờ cho thấy họ là chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngày 29-11, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi yêu cầu lực lượng an ninh trong 3 tháng phải khôi phục “an ninh và ổn định” ở phía bắc bán đảo Sinai. “Tối hậu thư” được đặt ra khi vấn đề an ninh ở bắc Sinai - khu vực hầu hết là sa mạc, kéo dài từ kênh đào Suez đến dải Gaza và Israel - lâu nay làm các nhà chức trách Ai Cập đau đầu. Phát biểu trong lễ mừng sinh nhật đấng tiên tri Muhammad được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Sissi ra lệnh cho tân Tổng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang - Trung tướng Mohammed Farid Hegazy dùng “tất cả sức mạnh” để chống lại các chiến binh. “Trách nhiệm của các bạn là phải bảo đảm an ninh và ổn định cho Sinai trong vòng 3 tháng tới”, ông Sissi nói.
Đây là lần thứ hai Tổng thống Sisi ra lệnh dùng “tất cả sức mạnh” để chống lại các chiến binh kể từ khi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng vào ngày 24-11 vừa qua. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, trong bài phát biểu của mình, ông Sissi đã đề cập việc dùng “tất cả sức mạnh” để trả đũa lực lượng đứng sau vụ tấn công đẫm máu.

Đến nay, IS vẫn chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng hơn 20 tay súng đều mang cờ đen của tổ chức này. Hơn nữa, ngôi đền là nơi cầu nguyện của những người Sufi - một trong những mục tiêu tấn công của IS bởi IS luôn xem Sufi là dị giáo.

Các nhà quan sát cho rằng, việc cho lực lượng an ninh thời hạn 3 tháng để mang lại một Sinai yên tĩnh dường như là canh bạc rủi ro cho Tổng thống Sissi, trong lúc ông được kỳ vọng sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ 2. Thất bại trong chiến dịch này có thể gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của ông, bởi khi đắc cử Tổng thống vào năm 2014, nhà lãnh đạo này đã cam kết khôi phục an ninh cho Ai Cập.

Trong nhiều năm qua, quân đội và cảnh sát Ai Cập trải qua một chiến dịch khó khăn và tốn kém để chống lại các chiến binh ở những thị trấn, làng mạc tại Sinai. Một nhánh của IS ở Sinai đã tuyên bố nhận trách nhiệm một số vụ tấn công đẫm máu ở Ai Cập. Sinai cũng là nơi cầm cự cuối cùng của nhóm này sau khi bị đánh bại ở Iraq và Syria. Năm 2017, các chiến binh tập trung đánh bom vào các nhà thờ ở thủ đô Cairo và những thành phố khác, khiến hàng chục người Thiên chúa giáo thiệt mạng. Tổng thống Sissi cũng từng cảnh báo, các tay súng IS ở nước ngoài sẽ tìm cách đến khu vực của ông sau khi thất bại ở Iraq và Syria.

THIÊN BÌNH

.