Quốc tế

Việt Nam củng cố hình ảnh trên trường quốc tế

07:58, 13/11/2017 (GMT+7)

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 củng cố hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Các nhà lãnh đạo gặp gỡ khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.  Ảnh: apec.org
Các nhà lãnh đạo gặp gỡ khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: apec.org

Bài phân tích của chuyên gia Maria Zelenkova đăng trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành trung tâm chú ý trong số những quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này do vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao và nhiều nguyên nhân khác, trong đó có mong muốn của Việt Nam trở thành quốc gia tích cực tham gia các hoạt động của khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế tối đa - điều mà Việt Nam rất cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tối ưu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng theo bài viết, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, đồng thời tham gia các khuôn khổ hội nhập khác nhau từ các hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn đến khu vực thương mại tự do. Hơn nữa, Việt Nam rất cởi mở với những sáng kiến mới.

Năm 2006, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14. Thành công này đã góp phần thúc đẩy việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cải thiện quan hệ với Mỹ. Chuyên gia Maria nhận định: Năm 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC càng củng cố hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.  					Ảnh: apec.org
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: apec.org

Những nhiệm vụ chính đang đặt ra cho Việt Nam là thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực. Vì vậy, những nỗ lực của Việt Nam khi chuẩn bị và tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 nhằm giải quyết những nhiệm vụ này. Theo chuyên gia Maria, Việt Nam đã tận dụng tốt vai trò Chủ tịch APEC nhằm kêu gọi đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian gần đây, giới chuyên gia chờ đợi những hiệp định mới giữa các công ty Việt Nam và các nhà đầu tư khu vực trong lĩnh vực thương mại, cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ.

Trong khi đó, tạp chí Diplomat có bài viết về sự hội nhập kinh tế không ngừng của Việt Nam kể từ thời điểm lần đầu tiên đóng vai trò chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2006. Theo bài viết, kể từ sự xuất hiện đầu tiên của Việt Nam trên “sân khấu kinh tế thế giới” tại APEC 2006, Việt Nam đã tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế với các nước láng giềng liền kề và các đối tác thương mại ở xa hơn. Quan hệ được cải thiện đã thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam và các thành viên ASEAN đã mở rộng phạm vi của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) thành một Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tiếp đó là đàm phán để củng cố các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand thành Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Việt Nam cũng đã hoàn tất các FTA song phương với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Chile và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Cuối cùng, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và đã khởi động đàm phán FTA (thông qua ASEAN) với Hong Kong (Trung Quốc), Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein và Iceland) cũng như EU.

Thông qua việc hội nhập kinh tế gia tăng này, Việt Nam đã đa dạng hóa thành công các thị trường xuất khẩu của mình, trong đó Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất. Sự hội nhập kinh tế gia tăng cũng đã đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 tăng gấp 3 lần so với năm 2006 lên hơn 200 tỷ USD.

Mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kể từ sự kiện APEC 2006, nhưng môi trường khu vực và toàn cầu đã có những thay đổi mạnh mẽ, trong đó có sự nổi lên của xu hướng chống toàn cầu hóa tại một số nền kinh tế. Do đó, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là cơ hội để Việt Nam thể hiện khả năng ứng phó với những thay đổi này.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng còn khiến sự kiện này mang tính lịch sử đặc biệt bởi trong cuộc chiến tranh Đông Dương ở thế kỷ trước, Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam là tuyến đầu. Bài viết trên tạp chí Diplomat cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều thách thức như hiện nay, Việt Nam sẽ cần vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế mới để đảm bảo sự ổn định và phồn thịnh lâu dài của đất nước.

Báo Independent của Anh đề cập trang phục truyền thống của các lãnh đạo các nền kinh tế tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra ở Đà Nẵng. Trang phục thiết kế cho APEC 2017 là áo tơ tằm với tông màu xanh hoặc trắng. “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm bỏ áo vest đen, cà vạt một đêm để khoác lên chiếc áo lụa màu xanh tại sự kiện ở Việt Nam”, tờ Independent viết. Tờ báo này cũng chú ý đến việc Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều chọn cho mình chiếc áo màu xanh và đứng cạnh nhau khi chụp ảnh lưu niệm.

VĨNH AN tổng hợp

.