Quốc tế
Bầu cử Catalonia: Chiến thắng treo cho cả hai bên
Theo đánh giá của giới quan sát, cuộc khủng hoảng Catalonia là một tình huống chính trị rất hóc búa.
Cuộc bầu cử lịch sử tại Catalonia không thực sự đưa lại chiến thắng toàn bộ cho một bên nào, bởi trong khi phe ly khai vẫn giữ được đa số tại Nghị viện Catalonia thì lần đầu tiên sau 4 thập kỷ, một đảng thân Madrid trở thành chính đảng lớn nhất trong vùng.
Cuộc khủng hoảng Catalonia là một tình huống chính trị rất hóc búa. Ảnh: Reuters. |
Chính danh thực sự
Trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10 mà chính quyền trung ương Tây Ban Nha cho là bất hợp pháp và vi hiến, 90% số cử tri đi bỏ phiếu đã lựa chọn ủng hộ việc vùng Catalonia độc lập, tức là áp đảo tuyệt đối.
Điều đó khác hẳn so với cuộc bầu cử vừa diễn ra bởi tuy 3 đảng có xu hướng ly khai vẫn chiếm đa số trong Nghị viện mới của Catalonia nhưng cách biệt là cực kỳ nhỏ.
Quan trọng nhất, đó là việc lần đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ qua, có một đảng không theo xu hướng Catalonia ly khai lại trở thành chính đảng lớn nhất của vùng này, đó là là đảng Công dân – Ciudadanos.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng tính chất của hai sự kiện ngày 1/10 và ngày 21/12 là hoàn toàn khác nhau.
Trong sự kiện ngày 1/10, cử tri Catalonia chỉ đi đến hòm phiếu để trả lời câu hỏi “Có” hay “Không” với việc Catalonia độc lập còn trong ngày 21/12, cử tri phải lựa chọn giữa 7 đảng phái tranh cử, với các đường lối chính trị khác nhau.
Yếu tố đặc biệt quan trọng, đó là vào ngày 1/10, tỷ lệ cử tri đi bầu chưa đến một nửa trong khi ngày 21/12, có ít nhất là 82% cử tri Catalonia đã đi bỏ phiếu.
Vì thế, xét về mọi tính chất pháp lý, chính trị cũng như tính chính danh thì cuộc bầu cử ngày 21/12 phản ánh chính xác hơn nhiều tình hình chính trị hiện nay tại Catalonia, so với sự kiện hôm 1/10.
Hai thông điệp
Cuộc bầu cử này gửi đi 2 thông điệp rất rõ ràng. Thứ nhất, đó là vẫn có một số lượng đông đảo người dân vùng Catalonia vẫn muốn vùng này thuộc về Tây Ban Nha và họ thể hiện điều đó qua việc dồn phiếu để đảng Công dân-Ciudadanos vốn ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất trở thành chính đảng lớn nhất của vùng.
Điều này cho thấy điều mà giới phân tích gọi là “đa số im lặng” thực sự tồn tại ở Catalonia, và lần này họ đã lên tiếng, dù chưa đủ để giúp phe thống nhất chiến thắng nhưng cũng đủ làm nên kỳ tích cho đảng Công dân.
Thông điệp thứ hai, đó là sự hiện diện của lá phiếu bất mãn. Cử tri Catalonia vẫn bỏ phiếu cho các đảng ly khai, dù ít hơn so với cách đây 2 năm, nhưng đủ để thể hiện sự phản đối của họ với cách mà chính phủ Tây Ban Nha của Thủ tướng Mariano Rajoy đang xử lý cuộc khủng hoảng Catalonia trong thời gian qua.
Việc này thể hiện rõ nhất ở việc đảng Nhân dân (PP) của ông Rajoy chỉ giành 4 ghế, tức chỉ bằng 1/3 so với cách đây 2 năm và là đảng có thành tích kém nhất.
Điều mà các cử tri Catalonia muốn nói ở đây là rất rõ ràng, đó là dù Catalonia không hẳn thực sự muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha nhưng tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe và ông Mariano Rajoy vì thế, sẽ buộc phải có những điều chỉnh chính sách trong thời gian tới.
Bắc cầu đối thoại
Cuộc bầu cử này không phải là một giải pháp hoàn hảo để ngay lập tức chấm dứt thế bế tắc chính trị hiện nay tại Catalonia mà chỉ là một bước đi cần thiết để đưa mọi việc trở lại bình thường, trước khi tính đến các giải pháp lâu dài.
Mục đích chính của cuộc bầu cử này là để lập lại tính chính danh và xác lập lại một tương quan chính trị mới tại vùng Catalonia, qua đó đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha để gỡ bỏ điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha, giành lại quyền tự trị cho vùng này.
Có một điều rõ ràng, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng ly khai ở Catalonia trong vài tháng qua là do các bất đồng tích tụ từ nhiều năm giữa chính quyền trung ương ở Madrid với chính quyền Catalonia, đặc biệt trong việc tái phân bổ các nguồn lực kinh tế.
Phe ly khai ở Catalonia đã khích động được sự bất mãn của dân chúng trong vùng về việc họ cho là bị “phân biệt đối xử” khi Catalonia là vùng giàu có và đóng góp kinh tế quan trọng hàng đầu cho Tây Ban Nha nhưng lại không có quyền sử dụng các khoản thuế thu được tại vùng này.
Đáng nói hơn, là để đối phó với sự bất mãn đó, chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy lại rất hạn chế đối thoại mà thay vào đó là sử dụng các biện pháp cứng rắn.
Tuy đây là điều cần thiết để duy trì sự thống nhất của đất nước Tây Ban Nha nhưng ở một khía cạnh khác, nó cũng khiến cho người dân vùng này cảm thấy bị coi thường.
Vì thế, để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng Catalonia thì không còn cách nào khác là các bên phải đối thoại một cách nghiêm túc, trên cơ sở tôn trọng sự thống nhất của Tây Ban Nha nhưng cũng phải xem xét đầy đủ nguyện vọng chính đáng của người dân Catalonia.
Châu Âu vẫn đứng từ xa?
Cuộc khủng hoảng Catalonia là một tình huống chính trị rất hóc búa với Liên minh châu Âu.
Một mặt, Liên minh châu Âu buộc phải bảo vệ quan điểm quốc gia chính thức của một nước thành viên là Tây Ban Nha và khối này cũng không muốn tạo ra bất cứ tiền lệ ly khai rắc rối nào tại châu lục.
Nhưng mặt khác, vẫn tồn tại một thực tế và một đòi hỏi khá dân chủ từ phía cử tri Catalonia rằng họ cần phải được bày tỏ nguyện vọng và được lắng nghe.
Vì thế, dù kết quả bầu cử tại Catalonia có ra sao thì Liên minh châu Âu vẫn sẽ phản ứng rất thận trọng, bằng cách kêu gọi các bên đối thoại.
Để bảo vệ sự gắn kết của một khối có quá nhiều quốc gia thành viên thì từ nhiều năm nay Liên minh châu Âu đã luôn bám chặt đến Học thuyết Prodi.
Theo học thuyết này, sẽ không có một thực thể ly khai nào từ các nước thành viên Liên minh được tự động coi là một thành phần của Liên minh, mà phải trải qua đầy đủ các thủ tục xem xét, kết nạp và phải được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên Liên minh.
Tức là về lý thuyết thì gần như không có một lãnh thổ ly khai nào được chấp thuận trong Liên minh châu Âu.
Về tổng thể, vì vậy, thì cuộc bầu cử vừa qua tại Catalonia cũng khó thay đổi triệt để quan điểm của Liên minh châu Âu.
Theo VOV