Quốc tế
Catalonia bầu cử để tháo gỡ khủng hoảng
Hơn 5,5 triệu cử tri vùng Catalonia của Tây Ban Nha bỏ phiếu bầu Hội đồng lập pháp nhằm tháo gỡ khủng hoảng sau khi chính quyền vùng tự trị này bị giải tán do đơn phương đòi độc lập.
Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont phát biểu trong chiến dịch tranh cử ở Barcelona thông qua video từ Brussels (Bỉ), nơi ông đang sống lưu vong. Ảnh: AFP |
Cuộc bầu cử diễn ra ngày 21-12 để bầu Hội đồng lập pháp Catalonia gồm 135 ghế. Hãng AP cho rằng, cử tri phải đối mặt với lựa chọn quan trọng: hoặc ủng hộ các đảng chính trị quyết tâm ly khai, đưa vùng đất Catalonia giàu có trở thành một quốc gia mới nhất của châu Âu; hoặc ủng hộ phe muốn ở lại Tây Ban Nha. Song, khó bên nào giành được đa số ghế, dẫn đến các cuộc đàm phán kéo dài để thành lập liên minh chính quyền địa phương.
Theo Reuters, trước lúc các điểm bỏ phiếu mở cửa ở Barcelona, người dân Catalonia đã xếp hàng dài để tham gia bỏ phiếu. Các ứng cử viên ly khai và những ứng cử viên ly khai đang bị giam giữ chỉ được vận động tranh cử thông qua cuộc gọi video, hoặc kêu gọi thông qua một đài phát thanh từ nhà giam. Cựu Phó Thủ hiến Catalonia Oriol Junquera, Chủ tịch đảng ERC đang bị tạm giữ do liên quan đến tuyên bố độc lập trái phép của Catalonia, đã vận động tranh cử từ nhà tù. Trong khi đó, Thủ hiến bị phế truất Carles Puigdemont vận động tranh cử qua cầu truyền hình từ Bỉ, nơi ông đang sống lưu vong.
Chỉ 2 tháng trước đây, người Catalonia tin rằng, họ đang trải qua thời khắc lịch sử khi một nước cộng hòa mới sẽ được thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1-10 với đa số cử tri ủng hộ ly khai khỏi Tây Ban Nha. Song, chính cuộc bỏ phiếu gây sốc đó đã đẩy Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này chuyển sang nền dân chủ năm 1978 đến nay. Chính phủ Trung ương đã đình chỉ quy chế tự trị của Catalonia, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tuyên bố tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 21-12.
Một số lãnh đạo ly khai đã bị bắt giam hoặc chạy khỏi đất nước sau khi chính phủ Trung ương và Tòa án tối cao tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp. Đến nay, nhiều lãnh đạo ủng hộ độc lập vẫn bị giam giữ để chờ xét xử vì đã tổ chức trưng cầu dân ý trái phép. Hơn nữa, các nhân vật này, trong đó có cựu Thủ hiến Puigdemont, còn đối mặt với cáo buộc nổi loạn. Nếu trở về nước, ông Puigdemont có thể nhận mức án lên đến 30 năm tù.
Các nhà quan sát cho rằng, cuộc bỏ phiếu ngày 21-12 dường như không thể hàn gắn sự chia rẽ ở Catalonia. Khảo sát cho thấy, các đảng cạnh tranh quyết liệt nhưng cả phe ly khai lẫn phe ủng hộ thống nhất đều không giành đủ số phiếu cần thiết để thành lập chính quyền. Vì vậy, tình hình chính trị Catalonia vẫn bế tắc. Ngay cả khi phe ly khai giành chiến thắng, có lẽ người dân Catalonia cũng không mong đợi sự chia tách khỏi Tây Ban Nha mà muốn có các cuộc đàm phán với chính phủ Trung ương Madrid. Song, diễn biến theo đó sẽ phức tạp và ảnh hưởng bất lợi đối với sự ổn định của Liên minh châu Âu (EU). Một kịch bản khác cũng được đặt ra: Nếu đàm phán thành lập chính quyền liên minh thất bại, Catalonia sẽ phải tổ chức các cuộc bầu cử mới trong năm 2018 và tình trạng bất ổn chính trị vẫn tiếp diễn.
Trên Twitter ngày 21-12, ông Puigdemont viết: “Hôm nay, chúng ta một lần nữa thể hiện sức mạnh của những người bất khuất”. Nhật báo El Pais của Tây Ban Nha cho rằng, kết quả cuối cùng có lẽ tùy thuộc vào những cử tri chưa quyết định lựa chọn ai.
PHÚC NGUYÊN