Quốc tế

Châu Âu vẫn bất đồng về hạn ngạch nhập cư

07:57, 16/12/2017 (GMT+7)

Những bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư vẫn chưa được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tháo gỡ dù đã rất nhiều lần nhóm họp. Vấn đề gây chia rẽ chủ yếu là hạn ngạch phân bổ tị nạn.

Liên minh châu Âu sẽ tiếp nhận ít nhất 50.000 người tị nạn trực tiếp từ châu Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 2 năm tới.		Ảnh: AFP
Liên minh châu Âu sẽ tiếp nhận ít nhất 50.000 người tị nạn trực tiếp từ châu Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 2 năm tới. Ảnh: AFP

Ngày 15-12, các nhà lãnh đạo EU một lần nữa nhóm họp tại Brussels (Bỉ). Hãng Reuters cho biết, trước kế hoạch do nhóm các quốc gia Trung Âu đề xuất, trong đó khuyến nghị EU hỗ trợ tài chính cho những nỗ lực ngăn dòng người di cư từ Libya tới châu Âu, đồng thời từ chối chấp nhận hạn ngạch phân bổ tị nạn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã gay gắt gọi đó là bản kế hoạch “không biết xấu hổ”.

Ông Rutte cảnh báo, nếu các quốc gia thành viên không thể tìm ra giải pháp tháo gỡ vấn đề này trong 6 tháng tới, EU buộc phải tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến giữa các thành viên về một phương hướng tiếp theo cho chính sách nhập cư. “Quý vị phải làm việc trên tinh thần đoàn kết. Quý vị không thể đẩy vấn đề cho một vài quốc gia”, ông Rutte nói.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk mô tả việc áp đặt hạn mức người tị nạn bắt buộc là việc làm “không hiệu quả” và “gây chia rẽ sâu sắc”. Phát biểu này của ông làm một số thành viên EU nổi giận. Kế hoạch mới mà ông Tusk đề nghị kêu gọi tăng thêm ngân sách, củng cố quan hệ hợp tác lâu dài với các nước láng giềng cũng như các nước khác vốn là điểm xuất phát ban đầu hay trung chuyển của người tị nạn… Ngoài ra, ông Donald Tusk cũng thừa nhận, vấn đề nhập cư đã chia đôi đông và tây EU.

Những người ủng hộ ông Tusk cho rằng, Chủ tịch Hội đồng châu Âu muốn xới lên vấn đề tranh luận và buộc các nước thành viên EU phải đối mặt với một hệ thống nhập cư đang quá tải khi hơn 2,5 triệu người đăng ký cơ chế tị nạn trong hai năm 2015 và 2016.

Một số quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech ủng hộ quan điểm của ông Tusk. Ngoại trưởng Hungary  Péter Szijjártó nhận định, ông Tusk “đã nói ra sự thật” về việc áp đặt các hạn mức bắt buộc.

Song, Đức và một số nước Tây Âu cho rằng, hạn ngạch phân bổ tị nạn là cách cần thiết nhằm thể hiện tình đoàn kết của châu Âu. Ngày 7-12 vừa qua, EU thậm chí đã kiện Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech lên Tòa án tối cao của khối vì 3 nước này từ chối hạn ngạch.

Sau khi các chương trình ngăn cản người nhập cư do EU đầu tư ngân sách được triển khai, số người tị nạn đến châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã giảm mạnh. Tuy nhiên, theo một số nhà ngoại giao châu Âu, việc tăng trở lại chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối kế hoạch của ông Tusk và cho rằng kế hoạch này “không đầy đủ”. Theo bà Merkel, các nước thành viên EU phải chứng tỏ tinh thần sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. “Chúng ta không chỉ cần sự đoàn kết trong vấn đề quản lý các khu vực biên giới, mà còn cần sự đoàn kết bên trong EU. Không thể có một kiểu đoàn kết có chọn lựa như vậy”, nhà lãnh đạo Đức nói.

Cũng theo bà Merkel, các quốc gia có vị trí ở biên giới EU, trong đó có Ý và Hy Lạp, đang phải gánh chịu “rất nhiều trách nhiệm” nếu nhìn vào hệ thống quản lý nhập cư hiện nay. Bà Merkel cho rằng, việc một số nước căn cứ vào cái gọi là điều luật Dublin để cấm cản người tị nạn là “không hề hiệu quả”.

Điều luật Dublin quy định những người xin cơ chế tị nạn phải đăng ký tại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đặt chân đến, và quốc gia này sẽ chịu trách nhiệm xem xét giải quyết nhu cầu xin tị nạn của họ.

Trước đó, ngày 14-12, các nước Trung Âu chấp thuận sẽ dành 35 triệu euro cho việc mở rộng các chương trình hỗ trợ tài chính để lực lượng cảnh sát biển Ý và các lực lượng chức năng khác hỗ trợ EU ngăn chặn dòng người di cư tới khối này.

Mặc dù số người tị nạn từ các nước châu Phi đến châu Âu đã giảm mạnh, nhưng theo các nhóm hoạt động nhân quyền, họ đã phải chịu rất nhiều hành vi đối xử bạo ngược.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.