Quốc tế
EU, Nhật Bản, Mỹ gây áp lực thương mại lên Trung Quốc
Ba nền kinh tế lớn EU, Nhật Bản và Mỹ trở thành liên minh mới nhằm chống lại các vấn đề thương mại toàn cầu. Dù thông cáo chung của bộ ba này không nêu đích danh Trung Quốc nhưng mọi người thừa hiểu “đối tượng” là quốc gia có nền kinh tế mạnh thứ hai thế giới. Các vấn đề mà EU, Nhật Bản và Mỹ muốn gây sức ép là “năng lực dư thừa quá mức” trong ngành thép, ép buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ độc quyền, nhà ở hay dữ liệu trên máy chủ.
Thép Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường thế giới. |
Những mục tiêu của liên minh này trùng khớp hai lời phàn nàn trước đó của Mỹ về thương mại Trung Quốc. Thứ nhất là thép, nhôm cùng nhiều mặt hàng khác giá rẻ tràn ngập thị trường thế giới do các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc nhận được trợ cấp. Thứ hai là cách thức sử dụng các quy định về sở hữu trí tuệ để có được những công nghệ chiến lược. Chính quyền của Donald Trump muốn đơn phương khởi động các cuộc điều tra các hoạt động sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, có thể dẫn tới những việc trả đũa thương mại đơn phương theo luật thương mại của Mỹ trước khi WTO được thành lập năm 1995.
Đây là động thái hợp tác kinh tế quốc tế hiếm hoi của Mỹ dưới thời Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Mỹ đứng về phía EU với lập luận rằng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không nên ủng hộ Trung Quốc vì động thái đó là suy yếu nghiêm trọng các biện pháp phòng vệ thương mại của phương Tây. Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực tăng cường minh bạch theo sáng kiến của Mỹ nhằm mục đích phơi bày các khoản trợ cấp của Trung Quốc.
“Tự do thương mại chỉ hoạt động khi chúng ta đảm bảo các điều kiện công bằng cho cạnh tranh. Các điều kiện thị trường bình đẳng phải không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp như trợ cấp bóp méo thị trường, chuyển giao công nghệ cưỡng bức, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi thương mại không lành mạnh của các doanh nghiệp nhà nước”, ông Seko nói. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, cho rằng một số thành viên WTO cố tình phá vỡ nghĩa vụ của họ và tìm kiếm những nhượng bộ không công bằng thông qua vụ kiện tụng, làm cho WTO bị mất tập trung đàm phán thương mại. EU và Nhật Bản thuyết phục Mỹ nên nhìn nhận WTO như là nơi để chống lại các bất công thương mại hơn là tự “chiến đấu” một mình. Mỹ dọa rút khỏi tổ chức này vì cho rằng gặp nhiều bất lợi.
ANH THƯ (Theo Financial Times, Japan Today)