Quốc tế
Hòa bình Israel - Palestine xa vời
Người Palestine thề không đối thoại với Mỹ cho đến khi Tổng thống Donald Trump đảo ngược quyết định về Jerusalem. Bạo lực tiếp tục diễn ra ở Bờ Tây và Gaza, đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine vào bế tắc.
Những người cầu nguyện và các chiến binh Hamas đưa tang một người Palestine thiệt mạng trong vụ không kích do Israel thực hiện ở thành phố Gaza ngày 9-12. Ảnh: Reuters |
Hàng loạt cuộc biểu tình ở khu Bờ Tây và Dải Gaza, cũng như các vụ đụng độ giữa Israel và Palestine diễn ra. 4 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Quân đội Israel xác nhận “bạo lực bùng nổ tại gần 20 điểm” ở Bờ Tây và Gaza. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine cho biết, có đến 171 người bị thương ở Bờ Tây và 60 người khác bị thương ở Gaza. Hàng chục ngàn người cũng xuống đường biểu tình ở các nước Hồi giáo và Arab, bao gồm: Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Malaysia.
Trong một tuyên bố, Hamas - lực lượng đang kiểm soát Gaza - thúc giục người dân Palestine “tiếp tục đối đầu và mở rộng sự chống đối đến tất cả các điểm quân đội Israel hiện diện” ở Bờ Tây. Lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas rút khỏi đàm phán với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi nhân vật số 2 của Nhà Trắng đến Trung Đông vào cuối tháng 12 này. Ông Majdi al-Khaldi, cố vấn ngoại giao của ông Abbas, cho rằng Mỹ đã vượt khỏi tất cả “ranh giới đỏ” khi đưa ra quyết định về Jerusalem.
Việc Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và muốn đưa Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem làm thế giới Arab tức giận cũng như làm các đồng minh phương Tây của Washington thất vọng. Những gì đang diễn ra cho thấy đây là đòn giáng vào những nỗ lực hòa bình giữa Israel và Palestine, đồng thời khơi mào cho bạo lực gia tăng ở khu vực. Người Palestine hiện nói “không” với các cuộc đàm phán hòa bình và tìm kiếm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) để đảo ngược quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói rằng, Mỹ đã mất vai trò trung gian hòa giải và Palestine sẽ tìm trung gian mới từ những người anh em Arab và cộng đồng quốc tế.
Israel từ lâu đã muốn toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Còn người Palestine muốn đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước độc lập Palestine trong tương lai. Trong khi đó, hầu hết các nước xem đông Jerusalem, vốn bị Israel chiếm giữ trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, là vùng bị chiếm đóng và cho rằng tình trạng thành phố này phải do các cuộc đàm phán Israel - Palestine quyết định. Tuy nhiên, đàm phán rơi vào bế tắc từ tháng 3-2014 đến nay.
Theo báo Huffington Post, có nhiều lý do để Tổng thống Donald Trump tuyên bố như vậy. Trước đó, chưa có ai công nhận Jerusalem là thủ đô của bất kỳ nước nào. Năm 1947, LHQ khẳng định Jerusalem là “thành phố quốc tế” và là thành phố của mọi người.
Không có nước nào đặt Đại sứ quán tại Jerusalem, chỉ có một số nước có lãnh sự quán tại đây. Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật yêu cầu chính phủ đưa Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Tuy nhiên, các Tổng thống trước ông Trump đều không thực hiện được do quan ngại về an ninh và bất ổn.
Chính phủ Mỹ hiện cam kết thúc đẩy đàm phán Israel - Palestine, cho rằng thủ đô của Israel là Jerusalem phải được đề cập trong bất kỳ kế hoạch hòa bình nào. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết bắt đầu “tiến trình mới” để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Trump giao cho cố vấn, đồng thời là con rể của mình - Jared Kushner - dẫn đầu những nỗ lực tái khởi động đàm phán nhưng chưa có tiến triển. Nay với tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, các nhà quan sát cho rằng, Washington đang tự cô lập mình trên trường quốc tế. 5 nước châu Âu trong HĐBA LHQ khẳng định, chính sách mới của Mỹ không phù hợp với các nghị quyết của cơ quan quốc tế này. Tuy nhiên, cuộc họp của HĐBA LHQ diễn ra cuối tuần qua chỉ mang tính biểu tượng khi không có việc bỏ phiếu để thông qua nghị quyết bởi quyền phủ quyết trong tay Mỹ. Và hòa bình Israel - Palestine ngày càng xa vời. Giấc mơ của người Palestine về một thủ đô Jerusalem theo giải pháp hai nhà nước dường như cũng chấm dứt.
Các ngoại trưởng Arab ngày 10-12 yêu cầu Mỹ hủy bỏ quyết định của Tổng thống Donald Trump, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ trích quyết định này mặc dù biết rõ Washington sẽ có thể phủ quyết. Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki nói rằng, nếu Mỹ phủ quyết, các nước Arab sẽ tìm một nghị quyết tương tự tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Song, nghị quyết dài 2 trang của Liên đoàn Arab trong cuộc họp khẩn tối 9-12 không bao gồm bất kỳ hành động trừng phạt nào chống lại Mỹ, như kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Mỹ hoặc ngừng/hạ cấp quan hệ với Washington. |
VĨNH AN