Quốc tế

Iraq loay hoay phục hồi sau khi chống IS

08:01, 12/12/2017 (GMT+7)

Vấn đề tái thiết đất nước với nhiều khu vực bị tàn phá sau 3 năm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là thách thức lớn đối với Iraq. Mỹ cam kết hỗ trợ quốc gia vùng Vịnh này.

Người dân Iraq vui mừng khi IS bị đánh bại.Ảnh: AP
Người dân Iraq vui mừng khi IS bị đánh bại.Ảnh: AP

Hãng Reuters dẫn lời ông Thomas Staal, đại biện Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) cho biết, Washington cam kết hỗ trợ Iraq phục hồi sau 3 năm chống IS mặc dù Tổng thống Donald Trump hiện cắt giảm 30% ngân sách viện trợ nước ngoài. Theo đó, USAID sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ nhân đạo cơ bản cho Iraq.

Trả lời phỏng vấn Reuters tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, ông Staal nói: “Ngân sách mà Tổng thống đưa ra cắt giảm 30% nhưng với Iraq, chúng tôi đang tìm ngân sách bổ sung, nhất là hỗ trợ các nạn nhân của IS”.

Cuộc chiến chống IS kéo dài suốt 3 năm đã gây tác động nặng nề đối với các khu vực do các chiến binh này kiểm soát. Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính, khoảng 3,2 triệu người hiện bị mất nhà cửa. Theo ước tính mới nhất của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, công tác tái thiết đất nước thời hậu chiến tiêu tốn 50 tỷ USD. Con số này cũng đã được đưa ra trước khi lực lượng Iraq tái chiếm Mosul, thành phố lớn nhất ở phía bắc Iraq. Tuy nhiên, theo AFP, số tiền để Iraq tái thiết lên đến 100 tỷ USD. Tháng 2-2018, hội nghị các nhà bảo trợ cho Iraq sẽ được tổ chức ở Kuwait để kêu gọi “hầu bao” của các nước.

Ông Thomas Staal cũng cho biết, kể từ khi IS kiểm soát khu vực phía bắc Iraq vào năm 2014, chính phủ Mỹ đã cung cấp gần 1,7 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho quốc gia vùng Vịnh này; trong đó có 265 triệu USD cho quỹ bình ổn Iraq thuộc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) năm 2016 và 2017. Song, giải pháp lâu dài là chính phủ Iraq sẽ phải cung cấp các dịch vụ cho người dân hiệu quả hơn.

Một vấn đề khác được đặt ra: Tham nhũng tràn lan ở mọi cấp trong chính quyền Iraq. Năm 2016, nước này xếp thứ 166/176 quốc gia có tình trạng tham nhũng, theo Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Thủ tướng Abadi cũng nhấn mạnh rằng, khi IS bị đánh bại, công tác chống tham nhũng sẽ là ưu tiên tiếp đến của ông. Nhà lãnh đạo này đang đối diện hàng loạt thách thức, không chỉ là việc chống tham nhũng mà còn các vấn đề khác: sự chia rẽ các sắc tộc, mối đe dọa khủng bố...

Trong lúc đó, phát biểu trên truyền hình Iraq, giáo sĩ dòng Shiite Muqtada al-Sadr kêu gọi lực lượng của ông giao trả vũ khí vốn được cấp phát cho chính phủ, đồng thời thúc giục chuyển giao quyền kiểm soát một số khu vực cho các chi nhánh của lực lượng an ninh Iraq. Song, giáo sĩ Muqtada al-Sadr nói rằng, lực lượng của ông sẽ tiếp tục bảo vệ ngôi đền linh thiêng Shiite ở Samarra, phía bắc Iraq.

Giáo sĩ Muqtada al-Sadr chỉ huy một phần lực lượng dân quân, hầu hết theo dòng Shiite, sau khi IS tràn vào miền bắc và miền trung Iraq vào mùa hè 2014, chiếm 1/3 lãnh thổ. Lực lượng dân quân này có tên gọi Lữ đoàn hòa bình, là một phần của Lực lượng huy động nhân dân (PMF) - các chiến binh Shiite, đồng minh của chính phủ. 

Điều đáng nói là sau khi thất bại tại Iraq và Syria, khoảng 6.000 người châu Phi - những người từng chiến đấu cho IS ở 2 quốc gia này - có thể trở về nhà. Cao ủy Liên minh châu Phi (AU) về hòa bình và an ninh, Smail Chergui, cảnh báo như vậy và kêu gọi các nước chuẩn bị đối phó với mối đe dọa này. Theo đó, vị quan chức AU nói rằng, các nước cần hợp tác chặt chẽ và chia sẻ thông tin tình báo. “Sự trở về của những thành phần này ở châu Phi tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và sự ổn định, đồng thời đặt ra yêu cầu về một giải pháp đặc biệt cũng như sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nước châu Phi”, ông Smail Chergui nói.

Nga rút quân khỏi Syria

Ngày 11-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ đến căn cứ không quân Hmeymim, thuộc tỉnh Latakia (Syria) để ra lệnh rút quân đội Nga khỏi quốc gia Trung Đông này. Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, sau chiến dịch kéo dài 2 năm, nước ông và Damascus đã hoàn thành sứ mệnh tiêu diệt IS. Trước đó, ngày 7-12, Nga tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ đánh bại IS trên lãnh thổ Syria.

Nga bắt đầu tiến hành các cuộc không kích ở Syria vào tháng 9-2015. Sự hiện diện của Nga đã làm thay đổi cục diện, mang lại những ưu thế to lớn cho chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

PHÚC NGUYÊN

.