Quốc tế
Liên Hợp Quốc muốn vô hiệu hóa tuyên bố của Mỹ
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) sẽ bỏ phiếu vô hiệu hóa tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, chắc chắn Mỹ sẽ dùng quyền phủ quyết.
Khoảng 80.000 người Hồi giáo Indonesia biểu tình tại Jakarta nhằm phản đối quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Jerusalem.Ảnh: Reuters |
Hãng AFP cho biết, HĐBA LHQ đang xem xét dự thảo nghị quyết cho rằng, bất kỳ sự thay đổi nào về tình trạng Jerusalem cũng không có hiệu lực pháp lý và phải bị hủy bỏ. HĐBA LHQ sẽ bỏ phiếu về bản dự thảo do Ai Cập soạn thảo sớm nhất là vào ngày 18-12 (giờ Washington).
Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh: Jerusalem là vấn đề cần được giải quyết thông qua đàm phán. Dự thảo bày tỏ “sự đáng tiếc sâu sắc về những quyết định gần đây liên quan đến Jerusalem”, nhưng không đề cập cụ thể đến động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Bất kỳ quyết định và hành động nào làm thay đổi tính chất, vị trí hoặc thành phần dân số của thành phố thánh địa Jerusalem cũng không có hiệu lực pháp lý, vô hiệu và phải bị hủy bỏ”, bản dự thảo viết.
Ngoài ra, dự thảo cũng kêu gọi tất cả các nước ngừng mở đại sứ quán tại Jerusalem bởi lo ngại các chính phủ có thể theo bước chân của Mỹ.
Quyết định của Tổng thống Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này khơi mào cho các cuộc biểu tình cũng như những chỉ trích gay gắt, mới nhất là cuộc biểu tình của khoảng 80.000 người Hồi giáo Indonesia ngày 17-12 tại thủ đô Jakarta. Các nhà ngoại giao cho rằng, Mỹ sẽ sử dụng lá phiếu phủ quyết, trong khi 14 thành viên còn lại có thể sẽ ủng hộ thông qua dự thảo.
Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon chỉ trích dự thảo, cho rằng đây là nỗ lực của người Palestine nhằm “tái tạo lịch sử”. Israel kiểm soát đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và xem toàn bộ Jerusalem là thủ đô không thể chia tách của Nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, người Palestine xem đông Jerusalem là thủ đô của họ trong tương lai. Nhiều nghị quyết của LHQ trước đây đã kêu gọi Israel rút khỏi vùng lãnh thổ mà họ chiếm giữ trong chiến tranh 1967.
Theo các nhà quan sát, đang được sự ủng hộ của các nước Hồi giáo, người Palestine muốn một dự thảo nghị quyết cứng rắn, trong đó trực tiếp kêu gọi chính phủ Mỹ hủy bỏ quyết định. Song, một số đồng minh của Mỹ có mặt trong HĐBA như Anh, Pháp, Ai Cập, Nhật Bản và Ukraine miễn cưỡng “quay lưng” với Washington.
Điều đáng nói là Mỹ nắm lá phiếu phủ quyết nên cuộc bỏ phiếu của HĐBA dường như chỉ mang tính biểu tượng. Nghị quyết này cần có 9 phiếu ủng hộ và không nước nào trong số Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc phủ quyết. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, nếu cuộc bỏ phiếu thất bại, các nước sẽ tiếp tục đưa vấn đề ra Đại hội đồng LHQ.
Ngày 20-12 tới, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đến Jerusalem nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước Arab sau quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Theo AP, ông dừng chân ở Ai Cập và Israel, đồng thời sẽ thông báo về việc Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem. Song, ông Pence dường như không được chào đón. Palestine thậm chí có kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối sự hiện diện của nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã hủy cuộc gặp gỡ với ông Pence.
VĨNH AN