Ai Cập bầu tổng thống: Cuộc trưng cầu dân ý của ông Sisi

.

Bầu cử tổng thống ở Ai Cập diễn ra từ ngày 26 đến 28-3 được xem là cuộc trưng cầu dân ý đối với Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah al-Sisi về nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, bởi các thăm dò đều cho thấy ông sẽ dễ dàng giành chiến thắng.

Ông Abdel Fattah al-Sisi sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. 					Ảnh: AP
Ông Abdel Fattah al-Sisi sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh: AP

Ngày 26-3, gần 60 triệu cử tri Ai Cập bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống với việc chọn một trong 2 ứng viên: Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah al-Sisi và Chủ tịch đảng Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa.

Hãng Reuters cho biết, ông Sisi thúc giục người dân Ai Cập tham gia bầu cử và hàm ý rằng ông xem lần bỏ phiếu này là trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ đầu tiên trong 4 năm của mình hơn là một cuộc đua căng thẳng. Theo các nhà quan sát cũng như các thăm dò trước bầu cử, đây là cuộc đua không cân sức. Kết quả bầu cử vòng 1 sẽ được công bố vào ngày 2-4 và nếu phải tổ chức bầu cử vòng hai thì kết quả vòng này sẽ có vào ngày 1-5.

Ai Cập là quốc gia Arab lớn nhất và đóng vai trò quan trọng đối với nền chính trị Trung Đông trong lịch sử hiện đại. Kể từ cách mạng mùa xuân Arab năm 2011, trong vòng xoáy hỗn loạn, Ai Cập đã chứng kiến 2 vị tổng thống của nước này bị lật đổ.

Vì vậy, với những thành tựu của Tổng thống Sisi trong 4 năm qua, nhiều người Ai Cập cũng như các đồng minh Arab và phương Tây xem nhà lãnh đạo 63 tuổi này là nhân vật quan trọng đối với sự ổn định của đất nước.

Sau khi xảy ra các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ, ông Sisi đã lãnh đạo quân đội lật đổ ông Mohamed Mursi - Tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên ở Ai Cập - và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm 2014 với số phiếu ủng hộ lên đến 96,9%.

Ông đã đưa đất nước thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và xung đột; vực dậy nền kinh tế với thâm hụt ngân sách giảm xuống 4,2% GDP, tỷ lệ thất nghiệp còn 11,3% vào cuối năm ngoái; đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế.

Nhiều người dân Ai Cập hoan nghênh việc lật đổ ông Mursi và việc trấn áp tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cũng như những nỗ lực của ông Sisi trong việc chống lại lực lượng có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên bán đảo Sinai trong những năm gần đây.

Tháng 4-2017, ông Sisi là nhà lãnh đạo đầu tiên của Ai Cập trong vòng 7 năm qua thăm Nhà Trắng và gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục.

Trong khi đó, kiến trúc sư Moussa (66 tuổi) ít được biết đến. Tham gia chính trường từ năm 2005, ông Moussa được bầu làm Phó Chủ tịch đảng Ghad, sau đó trở thành người đứng đầu đảng này. Điều đáng nói là đảng Ghad hiện không có ghế trong Quốc hội nên hy vọng chiến thắng của ông Moussa trong cuộc bầu cử lần này mong manh; thậm chí ông chỉ được cho là “người lót đường” cho thắng lợi của ông Sisi.

Vấn đề đặt ra và thách thức lớn nhất của ông Sisi trong nhiệm kỳ mới vẫn là mối đe dọa khủng bố. Ai Cập đã hứng chịu nhiều vụ tấn công, nhất là trên bán đảo Sinai như vụ tấn công bằng súng và bom nhằm vào một đền thờ làm hơn 300 người chết tháng 11-2017.

Người dân Ai Cập kỳ vọng những biện pháp cứng rắn của ông Sisi như Chiến dịch Sinai 2018 sẽ có thể truy quét các tổ chức khủng bố và tội phạm, mang lại sự ổn định cho quốc gia này.

Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah al-Sisi chọn “ngôi sao” làm biểu tượng tranh cử, còn Chủ tịch đảng Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa chọn biểu tượng “máy bay”. Đây là 2 trong 15 biểu tượng được cơ quan bầu cử quốc gia Ai Cập đưa ra. Việc sử dụng các biểu tượng này giúp những cử tri không biết chữ dễ dàng lựa chọn.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.