17 năm sau vụ 11-9-2001: Al-Qaeda ngày càng mạnh hơn

.

17 năm trôi qua kể từ vụ khủng bố ngày 11-9-2001 gây chấn động nước Mỹ và toàn thế giới, Al-Qaeda vẫn ngày càng mạnh hơn và các chính sách của Washington ở Trung Đông dường như khuyến khích sự lan rộng của tổ chức này.

Sau 17 năm kể từ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động nhằm vào Afghanistan năm 2001, quốc gia Nam Á này vẫn bất ổn với hàng loạt vụ đánh bom liều chết.  Ảnh: AFP/Getty Images
Sau 17 năm kể từ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động nhằm vào Afghanistan năm 2001, quốc gia Nam Á này vẫn bất ổn với hàng loạt vụ đánh bom liều chết. Ảnh: AFP/Getty Images

Có lẽ đến nay, người Mỹ vẫn không thể quên khoảnh khắc 2 chiếc máy bay của những tên không tặc lao vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và một máy bay nhằm vào trụ sở Bộ Quốc phòng làm gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương.

Báo Los Angeles Times cho biết, sau ngày 11-9-2001, Mỹ quyết tâm tiêu diệt Al-Qaeda. Tổng thống G.W.Bush lúc đó cam kết “không bao giờ nương tay trong cuộc chiến chống khủng bố”, cô lập, bao vây, dồn những kẻ khủng bố vào chân tường “cho đến khi không còn nơi nào để chạy trốn hay ẩn nấp hay nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, 17 năm sau, Al-Qaeda vẫn mạnh hơn bao giờ hết, mặc dù Osama Bin Laden đã chết và tổ chức khét tiếng này không thực hiện được bất kỳ cuộc tấn công thành công nào vào các mục tiêu ở phương Tây kể từ vụ đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ở London (Anh) hồi năm 2005 làm 52 người chết.

Các nhà phân tích cho rằng, các chính sách của Mỹ ở Trung Đông dường như khuyến khích sự lan rộng của Al-Qaeda. Bà Rita Katz, Giám đốc SITE Intelligence Group chuyên theo dõi tin nhắn của các nhóm chiến binh nhận định, Al-Qaeda không đơn thuần là một nhóm tập hợp các cá nhân nên không thể bị phá hủy bằng vũ khí tinh vi, tiêu diệt các thủ lĩnh và đánh bom vào các căn cứ huấn luyện.

Trong chặng đường tồn tại, Al-Qaeda hiện có lực lượng chiến đấu hùng mạnh nhất, riêng ở Syria và Yemen ước tính có hơn 20.000 chiến binh. Al-Qaeda còn có các chi nhánh trải khắp Bắc Phi và nhiều khu vực ở châu Á, đồng thời duy trì sự hiện diện ở biên giới Afghanistan-Pakistan.

Cũng theo báo Los Angeles Times, Al-Qaeda đã thay đổi chiến thuật. Thay vì tập trung vào những cuộc tấn công khủng bố, các vụ hành quyết tàn bạo, Al-Qaeda hiện có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn và giành được sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo Sunni ở các nước bị chiến tranh tàn phá.

Ở Syria, Al-Qaeda bắt chước cách tiếp cận các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chẳng hạn việc IS chiêu mộ chiến binh không phải vì niềm tin tôn giáo, mà bằng những thông điệp đề cao chủ nghĩa cá nhân…

17 năm qua, bóng ma chiến tranh vẫn hiện diện khắp Trung Đông. Afghanistan, Iraq đều bất ổn. Ở Libya, Syria vẫn xảy ra xung đột đẫm máu. Riêng với Yemen, Al-Qaeda đã có mặt ở quốc gia này trước vụ 11-9-2001, với vụ đánh bom nhằm vào tàu khu trục Mỹ ở cảng Aden vào tháng 10-2000. Sau khi tòa tháp đôi bị tấn công vào ngày 11-9-2001, Tổng thống G.W.Bush ca ngợi Tổng thống Yemen lúc đó, ông Ali Abdullah Saleh, là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Thực tế, các cuộc chiến tranh ở Trung Đông những năm qua làm bùng nổ khủng hoảng di cư, với làn sóng người tị nạn kéo đến châu Âu, khiến “lục địa già” hứng chịu hàng loạt vụ khủng bố. Việc có quá đông người tị nạn Hồi giáo đến “miền đất hứa” châu Âu làm nảy sinh chủ nghĩa bài Hồi giáo của các tổ chức cực hữu tại nơi đây.

Từ đó, những người Hồi giáo chân chính rơi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan và các nhà quan sát lo ngại một tổ chức mới có thể thay thế IS trong tương lai, đó chính là Al-Qaeda. IS vẫn đang là mối đe dọa lớn nhưng nếu bị dồn vào bước đường cùng thì có thể sáp nhập vào Al-Qaeda, khiến tổ chức khủng bố này càng lớn mạnh.

Theo hãng Arab News, sự thất bại của IS ở Iraq và Syria làm những thành phần sót lại xem xét việc kết hợp với Al-Qaeda để tiếp tục con đường cực đoan. Có những báo cáo cũng cho biết, một số thành viên IS đã lặng lẽ gia nhập Al-Qaeda ở Yemen, Libya và Afghanistan.

Hãng Arab News cho rằng, trong những năm gần đây, Al-Qaeda dường như bị “bỏ quên” khi các cường quốc và toàn cầu dồn sự tức giận vào IS. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nếu Al-Qaeda tiến hành các cuộc tấn công mới, nhất là chống lại Mỹ và các đồng minh phương Tây của Washington.

1.100 là số nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9-2001 đến nay chưa được xác định danh tính. Mới có 1.642 trong số 2.753 nạn nhân được nhận dạng. Các chuyên gia ở New York vẫn đang làm việc ngày đêm để xác định danh tính của những người còn lại. (Theo AP) 

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.