Quốc tế

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn tới "Đại suy thoái"?

19:38, 28/11/2018 (GMT+7)

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang có thể dẫn tới sự lặp lại thảm họa Đại suy thoái của thế kỷ 20.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) ngày 27/11 nói rằng lãnh đạo Trung Quốc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tuần này với hy vọng về một thỏa thuận nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ông cũng cảnh báo về hậu quả tàn khốc nếu Mỹ vẫn cố tách biệt hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang có thể dẫn tới sự lặp lại thảm họa Đại suy thoái của thế kỷ 20. Ảnh: MarketWatch
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang có thể dẫn tới sự lặp lại thảm họa Đại suy thoái của thế kỷ 20. Ảnh: MarketWatch

Nguy cơ lặp lại cuộc Đại suy thoái

Phát biểu với Reuters trước khi lên đường tham gia phái đoàn của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị G-20 diễn ra ở Buenos Aires, Argentina, Đại sứ Thôi Thiên Khải nói rằng, Trung Quốc và Mỹ phải chia sẻ trách nhiệm để hợp tác vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ giới chóp bu ở Nhà Trắng đang tìm cách chia tách nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc vốn có liên kết chặt chẽ với nhau hay không, ông Thôi Thiên Khải cho biết, ông không nghĩ sẽ khả thi hay hữu ích nếu làm như vậy.

Ông nhắc lại về cuộc chiến thuế quan những năm 1930 giữa các nước công nghiệp, điều đã gây ra sự sụp đổ của thương mại toàn cầu và đổ thêm dầu vào lửa những căng thẳng trong những năm trước Thế chiến II.

“Bài học của lịch sử vẫn còn đó. Trong thế kỷ trước, chúng ta đã có 2 cuộc thế chiến và giữa 2 cuộc chiến đó là cuộc Đại suy thoái. Tôi không nghĩ ai đó sẽ thực sự muốn lịch sử lặp lại. Những điều đó không nên xảy ra thêm một lần nữa, vì thế mọi người cần phải hành động một cách trách nhiệm”.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ những căng thẳng hiện nay, vốn đã chứng kiến 2 bên áp dụng biện pháp thuế quan “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau đối với hàng tỷ USD hàng hóa, có thể trở thành một cuộc chiến toàn diện hay không, ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh hậu quả sẽ “không thể tưởng tượng được” và hai nước cần phải làm mọi việc để ngăn chặn điều đó.

Theo Đại sứ Thôi Thiên Khải, Trung Quốc không muốn có cuộc chiến thương mại và đã đàm phán tìm kiếm một giải pháp cho những bế tắc hiện nay liên quan đến những yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc thu hẹp thâm hụt thương mại khổng lồ lên tới 375 triệu USD với Trung Quốc.

“Chúng tôi phản đối bất cứ cuộc chiến thương mại nào. Trung Quốc sẽ chiến đấu để bảo vệ lợi ích của mình. Chúng tôi tin rằng, chìa khóa dẫn tới giải pháp đàm phán cho các vấn đề thương mại là cách tiếp cận cân bằng đối với lo ngại của cả 2 phía. Thành thực mà nói, từ trước tới giờ, tôi vẫn chưa thấy những phản hồi đầy đủ từ phía Mỹ với những quan ngại của chúng tôi. Chúng tôi không thể chấp nhận một phía sẽ đưa ra một loạt các yêu cầu và bên còn lại phải đáp ứng tất cả những yêu cầu đó”.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 27/11 nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhưng cũng đã chuẩn bị để tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu không có đột phá nào về việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa 2 nước trong cuộc gặp ngày 1/12 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires.

Trái phiếu kho bạc Mỹ

Liên quan đến những thông tin Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc sở hữu để gây sức ép đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, Đại sứ Thôi Thiên Khải nói rằng, Bắc Kinh không coi đây là vũ khí để đáp trả Washington, bởi những động thái như vậy có thể gây bất ổn cho các thị trường tài chính. “Điều đó rất nguy hiểm, giống như đùa với lửa vậy”.

Các nhà phân tích thương mại và kinh tế thường nói rằng, Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm gây áp lực, buộc Mỹ phải đi đến thỏa thuận.

Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, sở hữu tới 1.150 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ tính đến ngày 30/9 (theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ). Một năm trước đó, con số này ở mức 1.190 tỷ USD.

Theo ông Thôi Thiên Khải, việc Trung Quốc sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ là một ví dụ điển hình về sự phụ thuộc kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “có mối quan hệ công việc cũng như tình hữu hảo cá nhân rất tốt” được thiết lập từ 3 cuộc gặp trực tiếp trước đây, trong đó có 2 cuộc gặp thượng đỉnh chính thức và điều đó cũng đã được thể hiện trong cuộc điện đàm kéo dài giữa 2 nhà lãnh đạo đầu tháng 11.

Trong khi đó, các nhân vật nội bộ Nhà Trắng nói rằng vẫn còn những bất đồng đáng kể trong chính quyền Trump về quan điểm đối với Trung Quốc. Trong số những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc có Cố vấn Thương mại Peter Navarro, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Những người theo chủ nghĩa thực dụng trong đó có cố vấn kinh tế Kudlow và Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin thì lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra với nền kinh tế và thị trường Mỹ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung chưa có lối thoát.

Theo VOV

.