Nga cảnh báo rằng một chiến lược đề xuất của Mỹ liên quan đến việc sử dụng “hạn chế” các loại vũ khí hạt nhân sẽ châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới thứ ba nếu nó được triển khai trên thực tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan ngày 16-7. (Nguồn: THX/ TTXVN) |
Theo trang mạng express.co.uk, Elbridge Colby, một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Donald Trump, mới đây đã lên tiếng ủng hộ chủ chương sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược để ngăn chặn một vụ tấn công từ Nga hoặc Trung Quốc.
Nhưng Moskva cho rằng kế hoạch này là “nguy hiểm và thiếu trách nhiệm," đồng thời cảnh báo: "Việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào các mục tiêu đã được xác định chẳng khác nào đang đùa với quỷ."
Ông Colby, cựu phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách về chiến lược và phát triển lực lượng, giải thích tư duy đằng sau chiến lược của mình trong một bài viết cho tạp chí Foreign Affairs với tiêu đề “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh hạt nhân."
Ông cho rằng Mỹ phải phát triển một kho vũ khí hạt nhân mới với hiệu suất thấp và kho vũ khí này nên nằm trong một chiến lược mở rộng để “giúp ngăn chặn hoặc làm thất bại một cuộc tấn công của Nga hay Trung Quốc nhằm vào các đồng minh của Mỹ mà không gây ra một thảm họa hạt nhân."
Ông Colby nói: “Việc chứng minh cho các đối thủ tiềm tàng về khả năng của Mỹ là cách tốt nhất để tránh đặt tình trạng này vào thực tế."
Song, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào, bất kể kích cỡ của chúng, sẽ đều dẫn đến thảm họa toàn cầu.
Phát biểu trước các phóng viên ngày 8-11, bà nhấn mạnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở Washington về việc “tăng cường vai trò của vũ khí hạt nhân và mở rộng khả năng của kho vũ khí hạt nhân của Mỹ” để đối phó với “mối đe dọa hoang tưởng từ Nga," theo hãng thông tấn TASS tại Moskva.
Bà Zakharova tiếp tục yêu cầu phía Mỹ trả lời về chiến lược này. Bà nói: "Tôi muốn một lời giải thích chi tiết: những hoạt động hạt nhân hạn chế này sẽ được tiến hành ở đâu? "Nếu nó được thông qua, chiến lược này sẽ nhằm vào lục địa nào?" Lời cảnh báo thẳng thắn này diễn ra chỉ một ngày sau khi Điện Kremlin cho rằng không có hy vọng về sự cải thiện trong các mối quan hệ đầy căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Nga.
Phản ứng trước kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, trong đó đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện, theo quan điểm của Moskva, cuộc đối thoại vẫn mở cho cả hai nước. Song, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng với sự bất tín nhiệm cao như hiện nay sẽ chẳng có nhiều triển vọng cho việc bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ.
Ông nói: “Nga và Mỹ có rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự liên lạc. Đây là những vấn đề về an ninh chiến lược và kiểm soát vũ khí, và họ (Mỹ) sẽ không thể tự ý quyết định mà không thảo luận với chúng ta."
Mối quan hệ giữa hai đối thủ thời Chiến tranh Lạnh đã tồi tệ hơn trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ tuyên bố rằng Nga vi phạm hiệp định cấm tên lửa tầm trung 1987. Trong một cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump tiết lộ ông đang xem xét rút khỏi hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời cáo buộc Nga không tuân thủ hiệp ước này khi phát triển một loại vũ khí mới. Loại tên tửa này có thể cho phép Nga nhanh chóng mở một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.
Moskva khẳng định nước này tuân thủ INF, nhưng Đại sứ Mỹ tại NATO, Kay Bailey Hutchison, tháng trước đã lên tiếng đe dọa “xóa sổ” các loại tên lửa mới của Nga.
Theo Vietnam+