Quốc tế
Trung Quốc - Philippines: Mối quan hệ "cầu vồng sau mưa"
Trong thông cáo về chuyến thăm Philippines, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước hiện như “cầu vồng sau mưa”, tức có những chuyển biến tích cực kể từ năm 2016 đến nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến sân bay quốc tế Ninoy Aquino, thành phố Pasay, đông nam Manila ngày 20-11. Ảnh: AP |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines vào ngày 20-11 trong chuyến thăm chính thức một quốc gia đồng minh của Mỹ giữa lúc Bắc Kinh đang cạnh tranh ảnh hưởng với Washington. Đây là lần đầu tiên trong 13 năm qua một chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức Philippines.
Philippines là chặng dừng chân cuối cùng trong khuôn khổ chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương của ông Tập Cận Bình. Trước đó, ông đến Papua New Guinea tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và thăm Brunei.
Trong tuyên bố trước khi đến sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở thành phố Pasay, đông nam thủ đô Manila, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Chúng tôi đã mở cánh cửa tình hữu nghị và hợp tác…, mang những lợi ích thật sự đến cho nhân dân của chúng tôi và đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực”. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines hiện như “cầu vồng sau mưa”, tức có những chuyển biến tích cực kể từ khi ông Rodrigo Duterte làm tổng thống vào tháng 6-2016 đến nay.
Chính phủ Philippines kỳ vọng chuyến thăm 2 ngày của ông Tập Cận Bình sẽ mang lại cho Manila những thỏa thuận đầu tư về hạ tầng và những khoản viện trợ mà Bắc Kinh từng cam kết.
Hãng AP cho biết, giữa Trung Quốc và Philippines tồn tại những bất đồng gay gắt xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cho đến khi ông Duterte làm tổng thống. Năm 2013, người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino III đã kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài ở Hà Lan liên quan đến yêu sách phi lý của Bắc Kinh về “đường 9 đoạn” trên Biển Đông. Tòa ra phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Song, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết. Trái với người tiền nhiệm, ông Duterte muốn bắt tay hợp tác với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì “trục chính”, đó là chính sách an ninh với đồng minh Mỹ.
Sau khi nhậm chức vào năm 2016, ông Duterte đến Trung Quốc và nhận được khoản vay 24 tỷ USD cùng lời hứa hẹn đầu tư nhằm đẩy mạnh kế hoạch xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng ở Philippines. Sự thay đổi trong cách tiếp cận của ông Duterte với mong muốn tìm kiếm các thỏa thuận đầu tư, thương mại, hạ tầng và cả vũ khí để chống lại lực lượng nổi dậy, làm mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh ấm hơn. Minh chứng rõ nhất là khi các chính phủ phương Tây chỉ trích ông Duterte trong cuộc chiến chống ma túy, Trung Quốc im lặng.
Song, hơn 2 năm trôi qua, Philippines chưa nhận đủ 24 tỷ USD nói trên, mà chỉ nhận khoản tiền rất nhỏ giọt, làm đình trệ 75 dự án hạ tầng của ông Duterte (1/2 trong số này sử dụng các khoản vay, đầu tư hoặc viện trợ từ Trung Quốc).
Hãng AP cũng dẫn lời 2 quan chức Philippines cho hay, chính phủ của Tổng thống Duterte sẽ ký bản ghi nhớ ủng hộ sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Bắc Kinh, một dự án hạ tầng đầy tham vọng bị Mỹ cho là tạo ra nguy cơ “bẫy nợ” các nước.
Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ đối lập Philippines ngày 20-11 đề nghị Tổng thống Duterte công bố chi tiết về những kế hoạch thăm dò năng lượng chung với Trung Quốc. Các thượng nghị sĩ cảnh báo rằng, kế hoạch khai thác chung với Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh khẳng định tuyên bố chủ quyền vốn không được luật pháp quốc tế công nhận.
Trong thư gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều 20-11, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi nhà lãnh đạo Bắc Kinh theo đuổi con đường ôn hòa, lý trí và công bằng trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. |
PHÚC NGUYÊN