Quốc tế
Thủ tướng Anh chật vật cứu thỏa thuận Brexit
Dự thảo thỏa thuận mà Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã thống nhất những tưởng tháo gỡ bế tắc cho tiến trình đàm phán Brexit nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của các nghị sĩ xứ sở sương mù. Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ.
Thủ tướng Anh Theresa May kiên quyết bảo vệ thỏa thuận Brexit.Ảnh: Reuters |
Báo The Independent cho biết, các nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ cố tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Theresa May nhằm phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit. 11 thành viên đảng Bảo thủ, trong đó có cựu Thứ trưởng Giao thông Jo Johnson - người vừa từ chức hồi tuần trước - công khai ký tên để thúc đẩy cuộc bỏ phiếu. Không những thế, ông Jo Johnson còn kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về vấn đề Brexit.
Theo báo The Independent, Thủ tướng May có nguy cơ từ chức nếu 158/315 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bà. Nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu, bà May sẽ vẫn làm Thủ tướng và không bị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong 1 năm. Ngược lại, bà phải từ chức và không được tái tranh cử.
Hiện Thủ tướng May kiên quyết từ chối việc đàm phán lại thỏa thuận; đồng thời cho rằng thỏa thuận vừa đạt được với EU là đúng đắn vì lợi ích của nước Anh, vì việc làm của người dân và vì tương lai của thế hệ trẻ. Bà May cũng nói rằng, thách thức đối với quyền lãnh đạo của bà chưa lớn đến mức dẫn tới bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nội dung chính của thỏa thuận bao gồm: thiết lập “lưới an ninh” nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland; toàn bộ Vương quốc Anh ở lại liên minh thuế quan với EU; Anh sẽ thanh toán chi phí “ly hôn” cho EU…
Cả Anh lẫn EU cần hoàn tất thỏa thuận trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của liên minh này vào ngày 25-11 tới. Song, nhiều quan ngại đặt ra như: Anh mắc kẹt trong liên minh thuế quan EU hậu Brexit; Anh thanh toán chi phí “ly hôn” cho EU 39 tỷ bảng Anh (gần 50 tỷ USD) mà không nhận lại được gì... Thách thức lớn nhất vẫn từ phía Anh bởi tuy thỏa thuận đã được chính phủ thông qua nhưng bà May khó có thể thuyết phục được Quốc hội.
Hãng Reuters cho biết, kể từ lúc thỏa thuận được thống nhất với EU vào ngày 14-11, Thủ tướng May có “những ngày xáo trộn” khi hàng loạt bộ trưởng từ chức, trong đó có Bộ trưởng Brexit Dominic Raab. Nghị sĩ Simon Clarke, thành viên của nhóm nổi loạn cho rằng, “thuyền trưởng” của Anh đang “lái tàu vào bãi đá”. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Jacob Rees Mogg, lãnh đạo nhóm nghị sĩ có quan điểm cứng rắn ủng hộ Brexit mô tả thỏa thuận là “tồi tệ hơn dự kiến” và không thể thực hiện những cam kết đối với quốc gia. Bên cạnh đó, sự liên kết phản đối giữa Công đảng đối lập với đảng Dân tộc Scotland cũng là trở ngại đáng kể đối với Thủ tướng May.
EU đang lên kế hoạch dự phòng cho một kịch bản Brexit chính thức vào ngày 29-3-2019 mà không có thỏa thuận, nhưng dường như Anh không có kế hoạch nào khác. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đề xuất kéo dài thời kỳ chuyển đổi Brexit đến tháng 12-2022 nhằm kéo dài thời gian để công dân EU được tự do đến Anh như hiện nay và buộc Anh phải đóng góp những khoản chi trả lớn cho EU cho tới cuộc tổng tuyển cử của Vương quốc này. Song, thời gian kéo dài bao lâu sẽ phải nhận được sự nhất trí của cả Anh lẫn EU. Đáng nói là cứ mỗi năm trong thời kỳ chuyển đổi, Anh sẽ phải đóng góp cho ngân sách của EU từ 10 tỷ đến 15 tỷ EURO.
THIÊN BÌNH