Quốc tế

Canada trong thế "tiến thoái lưỡng nan"

09:02, 15/12/2018 (GMT+7)

Việc bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn Huawei khiến Canada bị kẹt trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đang thay đổi thái độ với đồng minh Canada. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Ottawa tháng 3-2018. Ảnh: Politico
Mỹ đang thay đổi thái độ với đồng minh Canada. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Ottawa tháng 3-2018. Ảnh: Politico

Hãng AFP cho biết, các nhà chức trách Canada xác nhận, 2 công dân nước này (một cựu nhân viên ngoại giao và một doanh nhân) đã bị Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia. Vụ việc này xảy ra sau gần 2 tuần Canada bắt Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Huawei, bà Mạnh Vãn Chu và động thái của Ottawa khiến Bắc Kinh tức giận. Vì vậy, việc 2 công dân Canada bị bắt được cho là hình thức trả đũa của Bắc Kinh.

Những lùm xùm chung quanh việc bắt bà Mạnh vào ngày 1-12 theo yêu cầu của Mỹ làm dấy lên căng thẳng ngoại giao giữa 3 quốc gia và Canada bị kẹt giữa hai siêu cường. Ông Fred Bild, cựu quan chức ngoại giao Canada, hiện là giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Montreal nói với AFP rằng, Mỹ đang tận dụng Canada trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Bà Mạnh Vãn Chu đã được bảo lãnh tại ngoại sau khi nộp phạt 10 triệu đô-la Canada (7,5 triệu USD) trong lúc chờ một phiên điều trần xem xét khả năng dẫn độ đến Mỹ với cáo buộc bà và công ty Huawei vi phạm lệnh cấm vận của Washington với Iran.

Trung Quốc đã cảnh báo, Canada sẽ nhận lấy những hậu quả nghiêm trọng nếu bà Mạnh không được trả tự do ngay lập tức. Nhưng việc cho lãnh đạo của Huawei tại ngoại cũng không xoa dịu được phản ứng của Trung Quốc. Đến nay, giới chức Mỹ vẫn chưa đưa ra đề nghị dẫn độ chính thức với phía Canada. Song, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông có thể can thiệp vào hành động của Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ bà Mạnh nếu việc này có thể phục vụ lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp Washington đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Theo nhật báo Bild, tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng càng làm tình hình phức tạp đối với Canada bởi Trung Quốc có thể suy đoán vụ bắt giữ hoàn toàn mang động cơ chính trị nhằm gây sức ép với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh: “Thật khó để thuyết phục Trung Quốc rằng, chúng tôi không hành động thay mặt Mỹ”. Nhà ngoại giao này nói rằng, phát biểu của Tổng thống Trump cho thấy Canada chẳng khác gì một “con tốt”. Giáo sư về các vấn đề toàn cầu Paul Evans tại Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada) cũng nhận định: “Canada bị kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”.  

Thực tế, một vài tháng qua, Mỹ thuyết phục Canada ngăn tập đoàn Huawei tham gia mạng di động 5G trong tương lai. Chính phủ Canada đang xem xét vấn đề an ninh quốc gia để quyết định “số phận” của Huawei trong mạng lưới di động 5G. Song, theo tờ Bild, vì lợi ích của các doanh nghiệp trong nước, Canada sẽ không cấm cửa Huawei.

Vô hình trung Canada bị kéo vào khủng hoảng thương mại Mỹ - Trung, trong lúc quốc gia Bắc Mỹ đang tìm đến Trung Quốc để đa dạng hóa thương mại của mình, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, thay vì chính thức bắt đầu đàm phán thương mại tự do với Bắc Kinh, Canada hiện đối mặt với đe dọa trừng phạt, trong đó có việc cường quốc châu Á này có thể đóng cửa thị trường với Ottawa. Báo Global Times của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia bày tỏ lo ngại số lượng du khách và doanh nhân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến Canada sẽ sụt giảm. Năm 2017, khoảng 700.000 du khách Trung Quốc đến Canada, Ottawa hy vọng con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2021.

PHÚC NGUYÊN

.