Quốc tế
Khó khăn vẫn chồng chất với Thủ tướng Anh
Vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ nhưng Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đứng trước những khó khăn chồng chất, nhất là phải thuyết phục Nghị viện thông qua thỏa thuận Brexit mà bà đã ký với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước.
Thủ tướng Theresa May đối mặt với “cuộc chiến” tại Quốc hội để bảo vệ thỏa thuận Brexit. Ảnh: Evening Standard |
200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống là thắng lợi đầy ý nghĩa của Thủ tướng Theresa May. Bà đã vượt qua “khe cửa hẹp” để tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo thủ trong vòng ít nhất 12 tháng tới - quãng thời gian cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực. Song, bà sẽ không lãnh đạo đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2022, nghĩa là bà sẽ rút khỏi vị trí lãnh đạo đảng và chức vụ Thủ tướng vào thời điểm đó.
Theo AP, tuy kế hoạch phế truất bà May của một số thành viên đảng Bảo thủ thất bại nhưng việc có đến 117 nghị sĩ phản đối thỏa thuận Brexit cho thấy sự chia rẽ, bất đồng khó hóa giải trong tiến trình Anh rời EU.
Phát biểu tại phố Downing sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng May nói rằng, bà sẽ lắng nghe những ai đã bỏ phiếu chống và tìm kiếm sự bảo đảm hợp pháp đối với các nội dung đang gây tranh cãi trong thỏa thuận Brexit, trong đó việc ngăn chặn “biên giới cứng” giữa Ireland - quốc gia thành viên EU và Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh. Những nghị sĩ Bảo thủ phản đối thỏa thuận Brexit đều là những người ủng hộ “Brexit cứng”. Họ cho rằng, với thỏa thuận Brexit hiện tại, nước Anh tiếp tục bị ràng buộc vô thời hạn trong khuôn khổ của EU, không được tự do đàm phán thỏa thuận thương mại với những đối tác khác ngoài EU thời hậu Brexit.
Ngày 13-12, Thủ tướng May trở lại Brussels (Bỉ) để tham dự cuộc họp thượng đỉnh cùng 27 nhà lãnh đạo và tìm kiếm những nhượng bộ khác từ EU. Cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh vốn dự kiến diễn ra vào ngày 11-12 được hoãn cho đến tháng 1-2019. Theo đó, bà May có thời gian để thuyết phục châu Âu “mềm hóa” các thỏa thuận hơn nữa. Hãng AFP cho biết, EU đang chuẩn bị một văn kiện với các nội dung cụ thể hơn nhằm tạo thuận lợi cho bà May thuyết phục Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận. Văn kiện này không có ràng buộc pháp lý và không giới hạn thời gian cho vấn đề “chốt chặn cuối” về biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ lắng nghe bà May, nhưng họ khẳng định không đàm phán lại thỏa thuận dày 585 trang đã được ký kết hồi tháng trước và bất kỳ sự đảm bảo nào cũng không thể thay đổi hoặc trái với thỏa thuận.
Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng May đã phải đưa ra những “đòn cân não” trong những thời khắc nguy hiểm nhất cho thỏa thuận Brexit cũng như địa vị chính trị của bà. Việc tuyên bố không tranh cử vào năm 2022 thực ra là cách thức “mặc cả” của bà để xoa dịu phản ứng của đảng Bảo thủ đối với thỏa thuận Brexit, để Anh có thể rời EU vào ngày 29-3-2019 theo đúng kế hoạch. Sau 18 tháng đàm phán khó khăn với EU và đối mặt với bao thách thức từ các đảng chính trị trong nước, bà May vẫn cho rằng, thỏa thuận thể hiện sự tôn trọng ý nguyện của người dân trong cuộc trưng cầu dân ý. “Đó cũng là thỏa thuận tốt nhất và duy nhất ở thời điểm này”, bà May nói.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn hiện kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà May nếu thỏa thuận không được Quốc hội thông qua. Công đảng có thể chưa đủ sức mạnh để phế truất bà nhưng chắc chắn gây không ít khó khăn cho thỏa thuận Brexit tại cửa Hạ viện. Việc chia tay không êm thấm giữa Anh và EU với “Brexit không có thỏa thuận” vẫn là kịch bản dễ thấy trước mắt.
THIÊN BÌNH