Quốc tế
Cơn ác mộng của Tổng thống Macron
Hàng loạt giải pháp mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra cùng việc thừa nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra khủng hoảng cũng không xoa dịu được phản ứng tức giận của những người biểu tình. Ngày 15-12 tới có thể lại là một thứ bảy bất ổn trên khắp nước Pháp.
Phong trào “áo vàng” gây sức ép lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: THX/TTXVN |
Hãng AFP cho biết, chính phủ Pháp đang tìm cách thuyết phục các nghị sĩ và công chúng rằng, bài phát biểu vào ngày 10-12 của Tổng thống Emmanuel Macron đã đáp ứng các yêu cầu của phong trào “áo vàng”, mặc dù nhiều người biểu tình vẫn bày tỏ sự thất vọng và cam kết tiếp tục xuống đường. Theo đó, Thủ tướng Edouard Philippe trình bày với các nghị sĩ chi tiết các giải pháp tài chính mà Tổng thống Macron đã đưa ra, trong đó có việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng (113 USD) kể từ tháng 5-2019; không thu thuế hoặc bất kỳ khoản phí nào đối với tiền làm thêm giờ hay tiền thưởng cuối năm; miễn thuế đặc biệt cho những người có thu nhập dưới 2.000 euro/tháng; xóa bỏ thuế đánh vào các hộ gia đình có tài sản trên 1,3 triệu euro (gần 1,5 triệu USD)... Người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux ước tính tổng chi phí các biện pháp nhượng bộ nói trên khoảng 8-10 tỷ euro (9-11 tỷ USD), nghĩa là chính phủ phải tìm nguồn thu khác bổ sung.
Rất nhiều người nghỉ hưu hoan nghênh những giải pháp cụ thể liên quan đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên các kênh truyền hình Pháp, một số người biểu tình cho rằng, sự nhượng bộ của Tổng thống Macron vẫn không đủ để dập tắt phong trào “áo vàng”, vốn bùng phát từ ngày 17-11 nhằm phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu. Những người biểu tình khẳng định sẽ tiếp tục phong tỏa các con đường và kêu gọi “hành động thứ năm” trên khắp nước Pháp vào ngày 15-12 tới, đánh dấu thêm một ngày thứ bảy bất ổn trong 5 tuần liên tiếp. Thậm chí, họ gọi phát biểu của ông Macron là “vô nghĩa”, là “trò chơi đố chữ” và là “một giọt nước giữa đại dương”. “Nếu ông Macron có bài phát biểu cách đây 3 tuần thì sẽ xoa dịu được phong trào, nhưng bây giờ đã quá muộn”, hãng AFP dẫn lời một người biểu tình nói. Một người tên Alain Bouche nói với đài truyền hình BFM rằng, điều mà những người “áo vàng” muốn là một cuộc trưng cầu dân ý trên cả nước.
Theo Bloomberg, phong trào “áo vàng” đang đẩy chính sách “Macronomics” - chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng của Tổng thống Pháp vào khủng hoảng. Trẻ tuổi, nhiệt huyết, ông Macron sau khi đắc cử Tổng thống đã nhanh chóng đưa ra những cải cách cần thiết nhằm mang lại sự thay đổi sâu rộng, chẳng hạn như giúp thị trường lao động linh hoạt hơn, giảm thuế cho doanh nghiệp, giải quyết tình trạng thất nghiệp, cải thiện thâm hụt ngân sách, bãi bỏ “thuế nhà giàu”… Hơn hết, ông ấp ủ một chiến lược năng lượng xanh cho tương lai của Pháp.
Tuy nhiên, sau hơn 1,5 năm theo đuổi cải cách, ông Macron giờ đây đứng trước thách thức lớn nhất trong sự nghiệp chính trị: một Paris tan hoang sau những cuộc bạo loạn chưa từng có trong nhiều thập niên qua; một phong trào “áo vàng” tự phát, sau đó lan rộng và khó chấm dứt; tỷ lệ ủng hộ ông tụt dốc thảm hại, chỉ còn 21%...
Các nhà phân tích cho rằng, chưa thể khẳng định sự nhượng bộ của chính phủ cùng hàng loạt giải pháp tài chính có cứu vãn được tình hình hiện tại hay không bởi mâu thuẫn trong xã hội Pháp không dễ giải quyết. Thêm vào đó, phong trào “áo vàng” không có thủ lĩnh để đứng ra đàm phán với chính phủ, mà chỉ tồn tại và phát triển dựa trên nền tảng truyền thông. Yếu tố làm bùng phát phong trào “áo vàng” chính là vấn đề kinh tế. Nhưng sự nhân nhượng của Tổng thống Macron về kinh tế lại cho thấy ông không chịu được sức ép quá lớn từ làn sóng biểu tình và bạo loạn. Khi “một cuộc cách mạng phá vỡ những khuôn mẫu” như ông từng cam kết lúc tranh cử và đắc cử đã thất bại, nhà lãnh đạo 40 tuổi của Điện Élyée sẽ phải tính đến những cách thức khác để giành lại sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu và người lao động. Với chặng đường phía trước, cơn ác mộng của ông Macron vẫn chưa thể chấm dứt.
PHÚC NGUYÊN