Quốc tế
Đức chờ giải bài toán nhập cư
Lãnh đạo mới của đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer đã lên kế hoạch thay đổi các chính sách nhập cư của đảng này trước cuộc bầu cử châu Âu vào năm 2019.
Tân Chủ tịch đảng CDU, bà Annegret Kramp-Karrenbauer (trái), trò chuyện với cựu lãnh đạo CDU, Thủ tướng bà Angela Merkel. Ảnh: Reuters |
Chiến thắng ở khoảng cách hẹp của bà Annegret Kramp-Karrenbauer (còn gọi là bà “AKK”, 56 tuổi) trước ứng cử viên mang quan điểm bảo thủ hơn và cũng là doanh nhân tỷ phú, ông Friedrich Merz, mặc dù mở ra cơ hội để bà trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức nhưng cũng cho thấy những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng lớn nhất của quốc gia này. Bà cần phải xóa bỏ sự chia rẽ trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2019, trong đó có bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 5-2019.
Người hàn gắn những chia rẽ
Một trong những vấn đề chia rẽ sâu sắc nhất trong nội bộ CDU là quan điểm về nhập cư. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà tân Chủ tịch CDU đã phác thảo các kế hoạch dự kiến thay đổi chính sách nhập cư của đảng này trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Điều này cho thấy bà Kramp-Karrenbauer sẽ có những quan điểm không tương đồng với cách tiếp cận mang quan điểm tự do của Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel, cựu Chủ tịch CDU.
Chia sẻ với tuần báo Bild am Sonntag (Đức), bà Kramp-Karrenbauer cho biết: “Tôi muốn triệu tập cuộc thảo luận về an ninh và nhập cư với các chuyên gia cùng những người chỉ trích chính sách nhập cư và tị nạn để bàn thảo những cải cách cụ thể. Chương trình của chúng tôi hướng tới bầu cử Nghị viện châu Âu cũng sẽ được xây dựng trên những kết quả này”.
Bài học nhãn tiền về những hệ lụy trong chính sách mở cửa với người tị nạn năm 2015 của bà Merkel chắc chắn buộc bà Kramp-Karrenbauer phải có sự điều chỉnh linh hoạt hơn. Sau chính sách gây tranh cãi năm 2015, uy tín của bà Merkel bị giảm mạnh, CDU thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử khu vực. “Giọt nước tràn ly” cho mọi hệ lụy là bà Merkel quyết định thôi chức Chủ tịch CDU nhưng vẫn giữ cương vị Thủ tướng cho đến cuộc bầu cử liên bang năm 2021.
Sự kiện lịch sử
Phát biểu trên đài truyền hình ARD của Đức, bà Kramp-Karrenbauer hé lộ quan điểm sẵn sàng có những thay đổi, điều chỉnh trong chính sách của CDU nếu cần thiết. “Quý vị đang đứng trên vai những người tiền bối của mình. Những điều tốt sẽ được tiếp tục và với những chỗ cần phải thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi”, bà nói.
Mặc dù không chỉ trích chính sách nhập cư của bà Merkel gay gắt như các đối thủ trong cuộc đua giành vị trí Chủ tịch CDU nhưng bà Kramp-Karrenbauer, người có biệt danh “tiểu Merkel”, vẫn bảo lưu quan điểm rằng, người nhập cư phải học tiếng Đức và những người có tiền án sẽ không được ở lại đất nước này. Nhưng về đại thể, tân Chủ tịch CDU nhấn mạnh rằng, đảng của bà không đào sâu quá nhiều vào vấn đề gây mệt mỏi và tổn hại này.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ chính của bà Kramp-Karrenbauer trong đợt bầu cử năm tới tại 3 bang miền đông của Đức là giành lại lá phiếu của các cử tri trước đây đã “bỏ” CDU để chuyển sang ủng hộ đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD). AfD từng giành thắng lợi lớn khi tranh thủ khai thác nỗi lo sợ của người dân Đức về chuyện hòa nhập xã hội của những người nhập cư. Hiện tại, AfD là đảng đối lập chính trong Quốc hội trước “đại liên minh” của bà Merkel gồm: CDU, đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và đảng Dân chủ xã hội (SPD).
Bất kể những thách thức trước mắt với bà Kramp-Karrenbauer và đảng CDU, giới quan sát cho rằng, việc “tiểu Merkel” đắc cử Chủ tịch CDU vẫn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Tờ nhật báo Die Welt bình luận:
“Bà Kramp-Karrenbauer chiến thắng trong đại hội CDU đánh dấu lần đầu tiên tại một nước lớn trong thế giới phương Tây có một phụ nữ nối tiếp một phụ nữ trở thành người lãnh đạo cao nhất của một đảng cầm quyền”. Báo Die Welt bày tỏ hy vọng sẽ có thêm một sự kiện lịch sử trong tương lai gần, đó là việc bà Kramp-Karrenbauer trở thành Thủ tướng Đức.
“Có thể sẽ là lần đầu tiên tại phương Tây một người phụ nữ nối tiếp một phụ nữ khác giữ cương vị đứng đầu chính phủ. Ở Mỹ, họ chỉ có thể mơ về những viễn cảnh như thế này”, tờ báo này viết.
TRẦN ĐẮC LUÂN