Quốc tế
Pháp "căng như dây đàn"
Thủ đô Paris cùng nhiều thành phố lớn ở Pháp cuối tuần qua lại chìm trong biểu tình và bạo lực khi phong trào “áo vàng” vẫn xuống đường đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức.
Đường phố Paris hỗn loạn trong những ngày qua. Ảnh: Reuters |
Tại Paris, tình trạng bạo lực không đến mức đỉnh điểm như cuối tuần trước đó nhưng khoảng 10.000 người biểu tình ở thủ đô và 125.000 người biểu tình trên khắp cả nước, trong đó có các thành phố lớn như Bordeaux, Lyon, Toulouse, đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức và tổ chức bầu cử khẩn cấp, đủ gây áp lực cho cảnh sát cũng như giới chức an ninh.
Dòng người “áo vàng” tập trung ở đại lộ Champs-Élysée, hô vang “Macron, hãy từ chức”. Cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để trấn áp những phần tử phá hoại. Hình ảnh được phát sóng trên các kênh truyền hình cho thấy một Paris hỗn loạn trong những ngày qua, nhiều ô-tô bị đốt, các nhà hàng bị đập phá, còn cảnh sát chống bạo động đụng độ với lực lượng biểu tình.
Cuối tuần qua, 8 xe bọc thép lần đầu tiên kể từ năm 2005 được điều động để bảo vệ Khải Hoàn Môn, biểu tượng thiêng liêng của nước Pháp. Tất cả điểm du lịch hàng đầu ở Paris, như Tháp Eiffel và Bảo tàng Louvre, đóng cửa trong ngày 8-12 do lo ngại bạo lực.
Các chợ Giáng sinh và các trận bóng đá đều hoãn. Các ga tàu điện ngầm ở gần trung tâm Paris ngừng hoạt động. Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ cảnh báo công dân nước này ở Pháp tránh xa các khu vực biểu tình.
Phát biểu với báo giới cùng Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner khẳng định: “Tình hình đã được kiểm soát”, Paris trở lại yên ắng hơn vào sáng 9-12 (giờ Việt Nam). Chính phủ cam kết “không khoan nhượng” đối với những phần tử kích động thêm biểu tình vốn đang gây khủng hoảng sâu sắc trong 1,5 năm nắm quyền của Tổng thống Macron. 135 người bị thương và gần 1.400 người khác bị bắt giữ.
Đáng chú ý, làn sóng biểu tình lan sang các nước khác, trong đó có Bỉ - đặc biệt là ở vùng nói tiếng Pháp và Hà Lan mặc dù hai nước này không áp dụng chính sách tăng thuế nhiên liệu. Tại thủ đô Brussels của Bỉ, 100 người bị bắt giữ; trong khi tại thành phố Amsterdam của Hà Lan, cảnh sát bắt giữ 2 người.
Khi phong trào “áo vàng” bắt đầu từ ngày 17-11 chỉ với những dòng chữ mang tính phản ứng trên mạng, sau đó bùng phát thành làn sóng xuống đường và nay bước sang tuần thứ 4 nhằm phản đối việc chính phủ tăng thuế nhiên liệu cũng như các chính sách cải cách của Tổng thống Macron, ông chủ Điện Élysée vẫn giữ im lặng. Thị trưởng thành phố Saint-Etienne ở phía đông nam nước Pháp, ông Gael Perdriau thuộc đảng bảo thủ đối lập yêu cầu Tổng thống Macron phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những gì đang xảy ra.
Tuần này, ông Macron dự kiến có bài phát biểu công khai về chính sách thuế. Trở thành Tổng thống Pháp vào tháng 5-2017 với cam kết hiện đại hóa đất nước, cải cách nền kinh tế ì ạch, đề ra các biện pháp phù hợp để chống biến đổi khí hậu và phù hợp với Thỏa thuận Paris 2015, ông Macron hiện bị xem là “Tổng thống của nhà giàu”.
Những người biểu tình cho rằng, chính sách thuế của ông không công bằng, chỉ có lợi cho giới nhà giàu và không mang lại lợi ích cho người dân nghèo. Nhà lãnh đạo Pháp tuy đã hủy bỏ việc tăng thuế nhiên liệu, tình hình có khá hơn nhưng vẫn chưa xua tan được sự tức giận của phong trào “áo vàng”. Vì vậy, nếu không tìm được giải pháp phù hợp và được người dân ủng hộ trở lại, ông Macron - một Tổng thống vì châu Âu - đương nhiên sẽ đón nhận thất bại.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa chỉ trích Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu rằng, những gì đang xảy ra tại Pháp là minh chứng cho thấy ông có quyền bác bỏ thỏa thuận này.
Với những dòng tweet được đăng tải ngày 8-12 (giờ Washington), Tổng thống Trump gọi các cuộc biểu tình ở Pháp là “ngày và đêm rất buồn ở Paris”. “Có lẽ đến lúc chấm dứt Thỏa thuận Paris nực cười và vô cùng đắt đỏ, mang tiền đó trở lại hỗ trợ người dân với những mức thuế thấp hơn”, ông Trump viết. Trong lúc này, hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 24) vẫn đang diễn ra tại Ba Lan nhằm làm sống lại Thỏa thuận Paris 2015, với mục tiêu hạn chế sự ấm nóng của toàn cầu từ 1,5 đến 2 độ C.
|
VĨNH AN