Quốc tế

Nhật tìm hiệp ước hòa bình với Nga

08:38, 20/12/2018 (GMT+7)

Năm 2019 được cho là cơ hội tốt nhất để Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy một hiệp ước hòa bình với Nga, kết thúc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tạo đột phá trong mối quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok (Nga) tháng 9-2018. 					                           Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok (Nga) tháng 9-2018. Ảnh: AP

Theo Reuters, việc đàm phán nhằm hoàn tất một hiệp ước hòa bình với Nga là trọng tâm trong chính sách ngoại giao khi ông Shinzo Abe bước sang năm thứ 7 giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Ông Abe dự kiến thăm Moscow vào tháng 1-2019 và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các chuyên gia Nhật Bản từng tham gia đàm phán hiệp ước hòa bình với Nga cho rằng, năm 2019 là cơ hội tốt nhất và cũng là cơ hội cuối cùng để Thủ tướng Abe kết thúc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Moscow chung quanh quần đảo Nam Kurils (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc). Tranh chấp lãnh thổ khiến hai nước không ký được hiệp định hòa bình sau Thế chiến thứ hai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Ông Abe xem việc ký hiệp ước hòa bình với Nga sau Thế chiến thứ hai là “di sản chính trị”. Theo ông Muneo Suzuki, cựu chuyên gia đàm phán của Nhật Bản, Thủ tướng Abe sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 8-2021, nghĩa là còn tại nhiệm 2 năm, 9 tháng nữa, nhưng nhà lãnh đạo này phải chạy đua với thời gian để ký hiệp ước hòa bình. “Nếu mọi việc diễn ra như hiện tại, tiến trình sẽ kết thúc mà không đạt được gì”, ông Suzuki nói.

Tổng thống Putin có lẽ sẽ cởi mở với thỏa thuận và kỳ vọng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước để tạo ra sự đối trọng với Trung Quốc, thu hút thêm đầu tư của Nhật Bản, bởi tháng 9 vừa qua, chính ông chủ Điện Kremlin đề nghị Tokyo ký hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, Reuters cho hay, một số chuyên gia hoài nghi ông Putin thật sự muốn một thỏa thuận như thế, một phần do đa số người dân Nga phản đối việc trả lại bất kỳ hòn đảo nào thuộc Nam Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc. “Tôi không tin sẽ đạt được thỏa thuận trước năm 2021, thời điểm ông Abe kết thúc nhiệm kỳ”, ông Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở thủ đô Moscow nói.

Hy vọng đạt được hiệp ước hòa bình Nga - Nhật cũng bị phủ bóng trước đó. Hai ngày hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước vào tháng 12-2016 kết thúc với những cam kết hợp tác kinh tế, nhưng không có đột phá về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Đến tháng 9-2018, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 ở thành phố Vladivostok (Nga), Tổng thống Putin đề nghị ký hiệp ước hòa bình vào cuối năm nay mà không kèm theo điều kiện nào. Song, Thủ tướng Abe sau đó từ chối đề xuất này và nhắc lại quan điểm của Nhật Bản rằng, vấn đề chủ quyền phải được giải quyết trước hết.

Sau cuộc gặp gỡ Tổng thống Putin tại Singapore vào tháng 11-2018, ông Abe nói với báo giới rằng, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất thúc đẩy đàm phán dựa trên Tuyên bố chung được ký ngày 19-10-1956 về chấm dứt tình trạng chiến tranh; theo đó, Nga sẽ trả lại 2 đảo nhỏ cho Nhật (trong số 4 đảo tranh chấp) nếu hiệp ước hòa bình được ký kết. Cựu Đại sứ Nhật Bản Kazuhiko Togo nhận định, phát biểu của ông Abe cho thấy vị Thủ tướng này quyết tâm đạt được thỏa thuận và thực tế 5-6 năm qua, giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga là vấn đề ưu tiên của người đứng đầu chính phủ Tokyo.

Nhật Bản vốn tuyên bố chủ quyền cả 4 đảo thuộc quần đảo Nam Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Vì vậy, với việc Nga trả lại 2 đảo nhỏ hơn và giữ lại 2 đảo lớn hơn, thỏa thuận nói trên có thể không làm những cử tri bảo thủ ở Nhật Bản hài lòng. Hơn nữa, Moscow còn muốn Tokyo không cho phép quân đội Mỹ hiện diện trên bất kỳ đảo nào được trao trả, nhưng không dễ dàng để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thực hiện điều này.

Điều đáng nói, Nhật Bản đang phản ứng tức giận trước việc Nga xây dựng 4 doanh trại quân đội mới trên đảo Iturup và Kunashir thuộc Nam Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Dự kiến đến hết năm 2019, 188 hộ gia đình Nga sẽ đến sống ở đây. Với những bất đồng mới nảy sinh như thế, mối quan hệ Nga - Nhật sẽ dễ rơi trở lại vào vòng luẩn quẩn.

PHÚC NGUYÊN

.