Chính phủ Pháp quyết định ngừng tăng thuế nhiên liệu nhằm “hạ nhiệt” phong trào biểu tình diễn ra trong nhiều tuần qua. Đây là sự nhượng bộ lớn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau 18 tháng tiếp quản Điện Élysée.
Những người “áo vàng” phong tỏa con đường dẫn đến kho dầu Frontignan ở miền nam nước Pháp. Ảnh: AFP/Getty Images |
Chiều tối 4-12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố ngừng áp dụng thuế mới đối với xăng dầu, vốn dự kiến có hiệu lực từ tháng 1-2019. Việc trì hoãn này sẽ kéo dài trong vài tháng trước khi chính phủ có chính sách toàn diện khác. Quyết định mang tính nhượng bộ nói trên được Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra sau khi chính phủ của ông gặp gỡ các lãnh đạo thuộc mọi đảng phái chính trị vào ngày 3-12. Song, các nhóm đại diện cho phong trào “áo vàng” đã từ chối lời mời gặp mặt và đối thoại của chính phủ Pháp vào ngày 4-12.
Tổng thống Macron nói rằng, việc tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang phương tiện thân thiện môi trường, chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Hơn nữa, tăng thuế nhiên liệu là một phần trong chương trình cải cách kinh tế của ông. Tuy nhiên, chính sách này khơi mào cho làn sóng phong trào “áo vàng” (những người biểu tình trong trang phục áo phản quang bảo hộ màu vàng) trên khắp nước Pháp từ ngày 17-11. Ban đầu, đây đơn thuần là những cuộc biểu tình hòa bình nhưng chuyển sang bạo lực tại thủ đô Paris vào cuối tuần qua ở mức “chưa từng có trong nhiều thập niên”. Đại lộ Champs-Elysees, Bảo tàng Louvre, Nhà hát Opera, Quảng trường Vendome và một số cửa hàng tại trung tâm Paris bị các phần tử quá khích phá hỏng. Nhiều ô-tô, tòa nhà và một số quán cà-phê bị đốt cháy. 3 người chết, hơn 130 người khác bị thương và hơn 400 người bị bắt .
Những người biểu tình chỉ trích Tổng thống Macron đưa ra các chính sách chỉ có lợi cho người giàu và không làm gì để hỗ trợ người dân lao động nghèo. Theo hãng CNBC, ông Macron thậm chí bị cho là đại diện của tầng lớp thượng lưu, là “Tổng thống của người giàu”. Phong trào “áo vàng” không chính thức có các thủ lĩnh nhưng họ chọn những đại diện hợp pháp để đàm phán với chính phủ. Những người “áo vàng” yêu cầu ngừng tăng thuế nhiên liệu, tăng lương tối thiểu và phục hồi mức đánh thuế tài sản với những người có thu nhập cao - một chủ trương bị xóa bỏ vào năm ngoái.
Tổng thống Macron nắm quyền từ tháng 5-2017 đến nay với cam kết cải tổ nền kinh tế Pháp, vực dậy tăng trưởng, thu hút đầu tư nước ngoài, đưa quốc gia châu Âu này trở thành nơi hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp. Theo đó, ông đã thực hiện nhiều biện pháp để định hình lại nền kinh tế, cải cách các cơ quan chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp. Song, một số chính sách cải cách làm gia tăng sự bất mãn trong tầng lớp lao động và trung lưu.
Các nhà quan sát cho rằng, quyết định ngừng tăng thuế nhiên liệu có thể làm suy yếu hình ảnh của Tổng thống Macron - nhà lãnh đạo mang “phong cách mới” sẵn sàng làm “rung chuyển” nước Pháp.
Ông Macron ban đầu tuyên bố không lùi bước nhưng với tỷ lệ ủng hộ chỉ 23%, giới quan sát nhận định, người đứng đầu Điện Élysée cần tìm giải pháp xoa dịu bầu không khí căng thẳng. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Philippe cũng giảm sút, chỉ còn 26%. Ông Jean-Francois Amadieu, chuyên gia về các phong trào xã hội cho rằng, giữa đội ngũ cố vấn là những người trẻ, ít kinh nghiệm, Tổng thống Macron không hiểu rằng, việc từ chối thay đổi một chính sách không phải cách làm tốt nhất ở Pháp.
Theo AP, quyết định ngừng tăng thuế nhiên liệu chưa hẳn kết thúc được việc phong tỏa các tuyến đường và phong trào biểu tình, trái lại sẽ có thêm các cuộc biểu tình vào cuối tuần này. Đây là bài toán khó cho Tổng thống 40 tuổi Macron.
PHÚC NGUYÊN