Quốc tế
Quan hệ Nga-Ukraine năm 2019: Xung đột ngày càng gia tăng?
Quan hệ Nga-Ukraine trong năm qua đã có những diễn biến căng thẳng mới và trong năm 2019 tình hình được dự báo sẽ còn nhiều phức tạp.
Năm 2018, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đạt đến “điểm sôi” nguy hiểm nhất trong nhiều năm qua với sự cố ở eo biển Kerch – sự kiện mà theo đánh giá của nhiều người có khả năng châm ngòi cho một nấc thang căng thẳng mới trong cuộc xung đột dai dẳng giữa hai nước.
Mối quan hệ Nga-Ukraine đã có một năm đầy sóng gió. Ảnh: Reuters. |
Vụ va chạm mới nhất diễn ra vào ngày 25-11 ở eo biển Kerch, nối Biển Azov và Biển Đen ở ngoài khơi rìa phía đông bán đảo Crimea. Tại đây, Nga xây dựng một cây cầu dài bắc qua eo biển, nối liền bán đảo Crimea với đất liền. Hồi tháng 3-2018, Ukraine đã bắt một tàu cá đi từ Crimea. Trong khi đó, Nga gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực, kiểm tra tất cả các tàu thuyền đến hoặc đi từ các cảng của Ukraine. Ukraine phản đối, gọi hành động này là "phong tỏa kinh tế".
Biển Azov tiếp tục dậy sóng?
Trong vụ việc hôm 25-11, hai tàu hải quân và một tàu kéo của Ukraine đã bị Nga bắn và bắt giữ. Nga nói các tàu Ukraine vi phạm lãnh hải của mình và cố tình khiêu khích, trong khi đó, Kiev khẳng định tàu chiến Nga nổ súng khi ba tàu Ukraine đã rút ra khu vực cách lãnh hải Nga 20 km, cáo buộc ngược lại Nga có "mưu đồ" xâm chiếm hai thành phố Mariupol và Berdyansk của nước này. Sau vụ việc, Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua quyết định thiết quân luật trong 30 ngày hiệu lực tới tháng 1-2019.
Cuộc khẩu chiến giữa hai quốc gia cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và lập luận đúng sai của cả hai vẫn chưa ngã ngũ. Trên thực tế, đây không phải là một cuộc chiến mới. Các vụ va chạm giữa Nga và Ukraine vẫn xảy ra “như cơm bữa” tại các khu vực xung đột trong 5 năm qua. Có thể nói, thế giới chỉ đơn giản là không chú ý đến những va chạm âm ỉ nói trên cho đến khi quân đội Nga thực hiện bước đi quyết liệt đối đầu với hải quân Ukraine vào ngày 25-11.
Điều này cũng giải thích lý do tại sao bùng phát ở eo biển Kerch có thể biến thành chiến tranh toàn diện rất nhanh, bởi vì cả hai bên đều có vũ trang, sẵn sàng có các biện pháp không khoan nhượng để đối phó với nhau.
Theo ông Nicu Popescu, chuyên gia về Nga, Giám đốc chương trình Châu Âu mở rộng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, Hội đồng không cho rằng những căng thẳng gần đây là giai đoạn đầu tiên của sự leo thang lớn trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
“Vấn đề Biển Azov sẽ khiến châu Âu, Nga và Ukraine bận rộn trong những năm tiếp theo cả về mặt an ninh và kinh tế, chắc chắn đây không phải lần cuối cùng chúng ta nghe về nó. Sau Crimea và Donbass, Biển Azov đang trở thành chiến tuyến thứ ba có thể gây bất ổn cho không chỉ cho quan hệ Ukraine – Nga mà còn cho cả an ninh châu Âu nói chung”, Popescu nói.
Quan hệ của Nga với nước láng giềng Ukraine có thể vẫn sẽ căng thẳng trong năm mới. Mặc dù một cuộc chiến tranh quy mô lớn được cho là khó có khả năng xảy ra, cuộc xung đột giữa hai nước vốn đã sôi sục trong 5 năm trở lại đây có thể sẽ bùng phát trở lại.
Những nguy cơ bùng phát xung đột
Ngoài việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tình trạng bất ổn đang diễn ra ở khu vực Donbass hay sự cố mới nhất trên Biển Azov thì việc Ukraine thành lập một Giáo hội chính thống quốc gia độc lập có thể sẽ là một điểm căng thẳng khác trong năm 2019 sắp tới.
Thượng phụ Bartholomew ngày 11-10-2018 đã chính thức thừa nhận quyền độc lập cho Giáo hội Chính thống giáo Ukraine bằng việc huỷ một văn kiện từ năm 1686. Văn bản này vốn cho Giáo chủ Moscow quyền bổ nhiệm và kiểm soát các chức vụ của Giáo hội ở Kiev.
Quyết định nêu trên không chỉ mở đường cho Ukraine thiết lập nhà thờ của riêng họ mà còn bao gồm cả việc khôi phục vị trí Thượng phụ Ukraine, từng bị Giáo hội Chính thống Nga trừng phạt vì dẫn đầu việc ly khai vào đầu những năm 1990.
Ukraine muốn thoát khỏi sự thống trị của Giáo hội Chính thống Nga và vượt qua sự chia rẽ trong nước, trong chính nội bộ Giáo hội Chính thống của mình. Tuy nhiên, Nga không dễ gì công nhận việc Giáo hội Chính thống giáo Ukraine độc lập, điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng khả năng bùng phát cuộc chiến tranh tôn giáo giữa hai nước.
Bên cạnh đó, năm 2019 dự kiến cũng sẽ là một năm có tính quyết định đối với việc vận chuyển khi đốt của Nga trong tương lai qua Ukraine. Hiệp ước hiện tại giữa Nga và Ukraine đã hết hạn nhưng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới vẫn chưa được tiến hành.
Nga muốn ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu thông qua Ukraine và thay thế bằng dự án vận chuyển khí đốt mới Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Tuy nhiên, cả Liên minh châu Âu (EU) và Đức đều muốn đảm bảo rằng Ukraine vẫn sẽ là quốc gia quá cảnh cho khí đốt Nga và chắc chắn các cuộc đàm phán để phá vỡ bế tắc hiện nay sẽ vô cùng khó khăn.
Theo VOV