Cảnh sát và chủ các cửa hiệu ở Paris đang đối mặt với nguy cơ các cuộc biểu tình bạo lực vào cuối tuần này, mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ tất cả kế hoạch tăng giá nhiên liệu trong năm 2019.
Phong trào “áo vàng” có mặt tại một tuyến đường ở tây nam Pháp. Ảnh: AP |
Ngày 6-12, các quan chức cảnh sát và chính quyền ở thủ đô Paris tổ chức họp khẩn trong lúc các nhóm biểu tình riêng rẽ chia sẻ kế hoạch trên mạng xã hội và các diễn đàn về việc tiếp tục làn sóng chống chính phủ.
Sau những vụ bạo loạn “ở mức chưa từng có trong nhiều thập niên” tại Paris cuối tuần qua, nhiều cửa hiệu, nhà hàng ở trung tâm thủ đô dự kiến đóng cửa vào ngày 8-12 tới do lo ngại xảy ra tình trạng bạo loạn tương tự.
Tổng thống Emmanuel Macron đã hủy bỏ tất cả kế hoạch tăng giá nhiên liệu trong năm 2019 nhằm xoa dịu phong trào “áo vàng” - lực lượng biểu tình chống lại ông bùng phát từ ngày 17-11 đến nay. Đây là nhượng bộ mới nhất của Tổng thống Macron cùng chính phủ, sau khi quyết định tạm đình chỉ tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng vừa được công bố vào ngày 4-12.
Song, những người biểu tình yêu cầu nhà lãnh đạo Pháp phải có những động thái tương tự đối với các vấn đề khác, chẳng hạn phải cắt giảm thuế rộng hơn, gia tăng trợ cấp của chính phủ, khôi phục “thuế nhà giàu” nhằm vào những hộ gia đình có thu nhập cao…
Trở về nước từ hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina, Tổng thống Macron đứng trước cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng khi phong trào “áo vàng” có mặt trên khắp đường phố.
Nhiều lần ông tuyên bố không nhượng bộ, không thay đổi chính sách tăng thuế nhiên liệu vốn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm chống biến đổi khí hậu. Vị Tổng thống trẻ tuổi nói rằng, tăng thuế nhiên liệu là cách nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang phương tiện thân thiện môi trường, nỗ lực “ngăn chặn sự kết thúc của thế giới”.
Hãng AP cho biết, tăng thuế nhiên liệu thực ra không phải là ý tưởng của Tổng thống Macron mà vốn được các chính phủ tiền nhiệm đưa ra. Song, ông Macron mạnh dạn bảo vệ chính sách này cũng như Thỏa thuận Paris 2015. Giảm nhiên liệu hóa thạch cũng là những gì mà các nhà đàm phán bàn thảo tại hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Ba Lan nhằm giảm hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của trái đất.
Theo các nhà kinh tế học, các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia, cách tốt nhất để chống lại biến đổi khí hậu là tăng giá nhiên liệu (xăng, dầu diesel, than đá và khí tự nhiên). Tăng thuế nhiên liệu có thể mang lại một khoản tiền để bù đắp cho những thiệt hại; khuyến khích mọi người sử dụng nhiên liệu ít hơn; chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng, chú trọng nguồn năng lượng tái tạo, xanh và sạch hơn.
Tuy nhiên, không dễ dàng để những người lao động đều nghĩ đến những vấn đề toàn cầu, hay mục tiêu dài hạn trong khi phải vật lộn với gánh nặng cơm, áo. Nhà kinh tế học về môi trường Lawrence Goulder tại Đại học Stanford (Mỹ), tác giả cuốn sách “Đối phó với thách thức khí hậu” nhận định: “Diễn biến trong những ngày qua ở Paris khiến tôi nhận ra rằng, thách thức còn lớn hơn những gì tôi nghĩ trước đó”.
Như vậy, không thể phủ nhận tính đúng đắn của chính sách tăng thuế nhiên liệu. Song, cũng như những người tiền nhiệm, Tổng thống Macron khi đưa ra các quyết định về môi trường và năng lượng đã không lý giải với công chúng về tầm quan trọng của những chủ trương này và những đổi thay trong cuộc sống của người dân khi áp dụng chính sách mới.
Ông thậm chí còn bị cho là “tổng thống của người giàu”. Dĩ nhiên chính phủ Pháp đã có những chương trình như tăng hỗ trợ tiền mua xe tiết kiệm nhiên liệu và lắp đặt hệ thống sưởi ít gây ô nhiễm hơn. Nhưng với nhiều người dân Pháp, như vậy vẫn quá ít và quá trễ.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron hiện ở mức thấp nhất, không còn sự “cuồng nhiệt” như hồi tháng 5-2017, lúc ông trở thành người đứng đầu Điện Élysée trẻ nhất trong lịch sử Pháp. Người dân Pháp và châu Âu đang chờ đợi Tổng thống Macron khéo léo xua tan cơn giận dữ của phong trào “áo vàng” như thế nào khi ông Macron còn 3,5 năm cầm quyền và nắm đa số ghế tại Quốc hội.
BÌNH YÊN