Anh loay hoay với "cuộc chiến mới" về Brexit

.

Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với “cuộc chiến mới” về vấn đề Brexit tại Hạ viện khi các nghị sĩ tìm cách chống lại kế hoạch B mà nhà lãnh đạo này vừa công bố.

Thủ tướng Anh Theresa May phải trở lại Brussels (Bỉ) để bàn thảo với các nhà lãnh đạo EU về những điều khoản nhượng bộ. 		                                                                                Ảnh: PA
Thủ tướng Anh Theresa May phải trở lại Brussels (Bỉ) để bàn thảo với các nhà lãnh đạo EU về những điều khoản nhượng bộ. Ảnh: PA

Ngày 29-3, thời điểm rời Liên minh châu Âu (EU) đang đến gần, Vương quốc Anh rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất trong nửa thế kỷ qua khi loay hoay với cách thức rời mái nhà chung vốn gắn bó từ năm 1973 đến nay.

Sau khi thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May bị Hạ viện Anh bác bỏ hồi tuần trước với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, đánh dấu thất bại lớn nhất của chính phủ trong lịch sử hiện đại của nước Anh, một số nghị sĩ đang tìm cách giành quyền kiểm soát tiến trình Brexit từ tay nội các thiểu số yếu ớt của bà May.

Hiện các đảng đối lập yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit và có kế hoạch bảo đảm nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Song, cả hai điều này đều vấp phải sự phản đối của Thủ tướng May.

Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn cho biết, ông muốn chính phủ trả lời trước Quốc hội vào tuần tới về việc tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. Nếu đa số các nghị sĩ ủng hộ trưng cầu dân ý, Quốc hội có thể buộc Thủ tướng May phải thực hiện cuộc lấy ý kiến mới của dân chúng sau lần trưng cầu vào năm 2016.

Ông Corbyn gây áp lực đối với các thành viên đảng Bảo thủ khi nói rằng, đến lúc Công đảng phải đứng ở “sân khấu trung tâm”. Quyền lãnh đạo của bà May đang lung lay được cho là cơ hội để Công đảng trở lại nắm quyền nếu diễn ra một cuộc tổng tuyển cử mới.

Trong lúc đó, Thủ tướng May tuyên bố, trưng cầu dân ý lần hai về Brexit có thể “hủy hoại sự gắn kết xã hội”, tạo ra tiền lệ xấu cho các cuộc trưng cầu trong tương lai. “Chốt chặn cuối” (backstop) - vấn đề biên giới là điều khoản rào chắn chủ yếu của thỏa thuận Brexit. Điều khoản này vốn quy định Anh ở lại liên minh thuế quan với EU nhằm tránh việc kiểm tra hải quan ở biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thành viên EU) với Bắc Ireland (Vương quốc Anh) sau khi Anh rời EU.

Bà May muốn tháo gỡ vấn đề bế tắc này và cũng hứa miễn 65 bảng Anh (84 USD) phí đăng ký cho các công dân EU đang sống tại Anh muốn ở lại xứ sở sương mù sau Brexit. Theo đó, 3 triệu công dân EU không phải đóng khoản phí nói trên.

Nhà lãnh đạo Anh cũng cho biết, bà sẽ bàn thảo thêm về “chốt chặn cuối” (backstop) - vấn đề biên giới vốn gây tranh cãi nhiều nhất và cam kết lý giải phù hợp với Quốc hội về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU. Hạ viện sẽ bỏ phiếu về kế hoạch B vào ngày 29-1.

Tuy nhiên, Thủ tướng May bác bỏ việc Brexit không thỏa thuận và cảnh báo rằng, hàng chục bộ trưởng trong chính phủ có thể từ chức nếu họ không thể bỏ phiếu chống lại một Brexit không thỏa thuận. “Bạn không thể muốn rời khối mà không có thỏa thuận.

Hoặc là bạn ở lại EU, hoặc bạn ra đi với một thỏa thuận. Nếu không ai muốn không có thỏa thuận thì họ phải đồng ý về một thỏa thuận”, bà May nói. Bộ trưởng Việc làm và hưu trí Amber Rudd cũng thúc giục Văn phòng Thủ tướng cho phép đảng Bảo thủ tiến hành cuộc bỏ phiếu tự do nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit “tay trắng”. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde phát biểu với đài CNBC vào ngày 22-1 rằng, Brexit không thỏa thuận “rõ ràng là trường hợp xấu nhất”.

Thủ tướng May sẽ phải trở lại Brussels (Bỉ) để bàn thảo với các nhà lãnh đạo EU về những điều khoản nhượng bộ. Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6-2016, các chính trị gia Anh không tìm được tiếng nói chung trong cách thức rời EU và thậm chí là vấn đề có rời bỏ khối này hay không.

Nếu không có thỏa thuận được Quốc hội phê chuẩn hoặc một thỏa thuận thay thế, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sẽ thực hiện các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 29-3, thời điểm Anh rời EU; đây là “cơn ác mộng” đối với các nhà sản xuất vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng trải dài khắp châu Âu và xa hơn.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.