Những năm gần đây, với vai trò, sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng nhanh chóng, châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động và quan trọng nhất thế giới. Song, nhiều vấn đề khác đặt ra, trong đó có những thách thức về an ninh. Đặc biệt, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã và đang gây lo ngại cho các nước láng giềng, làm Mỹ cùng nhiều nước khác phải thay đổi chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ những diễn biến phức tạp nói trên, trước thềm Đối thoại Shangri-La, mới đây, tại Diễn đàn An ninh Fullerton lần thứ 7 ở Singapore diễn ra từ ngày 27 đến 29-1, quy tụ gần 100 đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia khu vực và thế giới, gồm các quan chức quốc phòng cấp cao, sĩ quan quân đội cấp cao và các chuyên gia lĩnh vực an ninh - quốc phòng… đã trao đổi việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác mở, cũng như tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là một trong những nguyên tắc để giải quyết các thách thức an ninh hiện nay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực như: chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, quản lý các mối đe dọa đối với sự ổn định hàng hải, hàng không...; từ đó đưa ra những giải pháp nhằm phòng ngừa sự leo thang khủng hoảng, thúc đẩy phát triển các hợp tác an ninh mới.
Các đại biểu cũng thảo luận về sự phát triển an ninh khu vực và quốc tế, bao gồm nhu cầu tăng cường hợp tác chống khủng bố trong khu vực và tái khẳng định giá trị của các nền tảng an ninh quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như các diễn đàn đa phương khác.
Đáng chú ý, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne đề cập mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về lĩnh vực hàng hải rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi tập trung các giao dịch toàn cầu, nêu rõ điều quan trọng là các bên liên quan phải tăng cường thúc đẩy việc tiếp cận tự do và cởi mở với các đại dương, đồng thời tuân thủ các quy tắc điều chỉnh hành vi hàng hải. Ông Pyne khẳng định, để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, các quốc gia đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế và những quy tắc khác; trong đó các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Pyne kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh nên tạo dựng lòng tin trong khu vực. Theo ông Pyne, việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông thật sự làm gia tăng mối lo ngại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ông Pyne nêu rõ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin.
Ông Rory Medcalf - người đứng đầu Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Úc ở Canberra nói rằng, phát biểu nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Úc là sự biểu hiện “cứng rắn” và “cân bằng” về lợi ích của nước này trong khu vực. Ông Medcalf nhấn mạnh: “Tuyên bố đó thể hiện sự tự tin và quyết đoán mới của Úc trong việc bảo vệ lợi ích khu vực của mình nhưng không đi theo hướng khiêu khích. Các tuyên bố đó không đụng đến vấn đề hệ thống chính trị của chính Trung Quốc hay cách đối xử với dân chúng. Trên hết, nó xác nhận rằng Úc rất nghiêm túc về bước tiến của mình ở Thái Bình Dương, đồng thời vươn ra Ấn Độ Dương”.
Có thể nói, Diễn đàn Fullerton cũng như Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) phối hợp cùng Chính phủ Singapore tổ chức hằng năm, kể từ năm 2013, đã trở thành một trong những diễn đàn an ninh hàng đầu thế giới, nơi các quốc gia đưa ra những thông điệp quan trọng về chiến lược quốc phòng - an ninh, cũng như định hình hợp tác để giải quyết những thách thức an ninh đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực.
TUYẾT MINH