Nền kinh tế Venezuela được dự báo càng thêm khủng hoảng khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào ngành dầu khí trọng điểm của quốc gia Nam Mỹ này.
Dòng người đổ xuống đường phố Caracas phản đối Tổng thống Nicolas Maduro. Ảnh: EPA |
Hãng Reuters cho biết, Mỹ phong tỏa các tài sản của Tập đoàn dầu khí quốc doanh (PDVSA) của Venezuela ở Mỹ. Theo đó, các công ty của Mỹ không được mua dầu mỏ của Venezuela và PDVSA có thể sẽ ngừng vận chuyển dầu thô sang cường quốc hàng đầu thế giới.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ đóng băng khối lượng tài sản trị giá 7 tỷ USD của PDVSA và có thể gây tổn thất 11 tỷ USD cho doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của tập đoàn này trong năm tới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, lệnh trừng phạt không nhằm vào người dân Venezuela và không ảnh hưởng đến các hoạt động viện trợ nhân đạo, trong đó có viện trợ thuốc men và thiết bị y tế cho đất nước Nam Mỹ. Chính phủ Mỹ muốn dùng các biện pháp trừng phạt để gây áp lực buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ chức và thủ lĩnh đối lập - “Tổng thống lâm thời tự xưng” Juan Guaido kêu gọi tiến hành bầu cử.
Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Venezuela đêm 28-1 (ngày 29-1, giờ Việt Nam), Tổng thống Maduro tuyên bố, ông sẽ có hành động pháp lý chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ và bảo vệ tài sản, bất động sản ở Citgo - chi nhánh của PDVSA tại Mỹ. Ông Maduro cáo buộc Washington tìm cách “đánh cắp” Citgo của người dân Venezuela, đồng thời cam kết trả đũa nhưng không đề cập biện pháp cụ thể nào. “Với động thái này, họ đang cố đánh cắp Citgo từ người dân Venezuela chúng ta. Hãy cảnh giác”, ông Maduro nói. Trước đó, nhà lãnh đạo này cho biết sẵn sàng đàm phán với các đối thủ chính trị “với mục tiêu duy nhất - vì hòa bình, hiểu biết và công nhận lẫn nhau”.
Các biện pháp của Mỹ nhằm gia tăng sức ép với Tổng thống Maduro diễn ra trong lúc chính trường Venezuela căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập - Chủ tịch Quốc hội Guaido tự xưng là “Tổng thống lâm thời” vào ngày 23-1. Việc mất doanh thu từ Mỹ - khách hàng lớn nhất đối với mặt hàng dầu thô chắc chắn sẽ càng làm nền kinh tế Venezuela thêm khó khăn; tác động nghiêm trọng đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia vốn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, thực phẩm, thuốc men. Năm 2017, tỷ lệ lạm phát của Venezuela vượt quá 2.600%. Hơn 3 triệu người đã rời nước này trong những năm gần đây.
Theo Reuters, bất chấp biện pháp trừng phạt của Nhà Trắng, việc thanh toán xuất khẩu dầu thô của Venezuela sang Mỹ có thể được duy trì tiền mặt; thậm chí, quốc gia Nam Mỹ sẽ chuyển dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Trong khi đó, ông Guaido tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận 20 triệu USD viện trợ nhân đạo từ Mỹ. Không những thế, ông Guaido dự kiến thành lập ban điều hành mới của Citgo và PDVSA nhằm kiểm soát tiền trong các tài khoản ở Mỹ. Để thực hiện các công việc của nhà nước, ông Guaido vẫn cần sự ủng hộ của quân đội. Tuy nhiên, quân đội Venezuela tiếp tục khẳng định trung thành với cuộc cách mạng Bolivar và Hiến pháp.
Phản ứng trước lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào PDVSA, Nga nhận định đây là sự can thiệp trái phép và trắng trợn vào công việc nội bộ của quốc gia Mỹ Latinh. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Moscow dự kiến áp dụng tất cả cơ chế hợp pháp sẵn có để bảo vệ các lợi ích của Nga tại Venezuela.
Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ, năm 2018, Venezuela xuất khẩu khoảng 500.000 thùng dầu/ngày sang Mỹ. Các nhà nhập khẩu chủ yếu dầu thô từ Venezuela bao gồm: Citgo, Valero Energy và Chevron. Song, thị phần của Venezuela ở Mỹ đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Thay vào đó, nhiều chuyến tàu của Venezuela chở dầu đến Nga và Trung Quốc. |
PHÚC NGUYÊN