Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du Trung Đông để thúc giục các đồng minh tiếp tục đối phó với “các mối đe dọa đáng kể” từ Iran và các chiến binh thánh chiến mặc dù Washington sẽ rút hết quân khỏi Syria.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) phát biểu trong cuộc họp báo cùng người đồng cấp Jordan Ayman Safadi. Ảnh: Reuters |
Ngày 9-1, sau khi rời thủ đô Amman của Jordan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ đến Iraq trong lúc các nước Trung Đông tỏ ra lo ngại chung quanh việc Washington rút quân khỏi Syria. Theo đó, ông Pompeo gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Barham Salih, Ngoại trưởng Mohamed Alhakim và Chủ tịch Quốc hội Mohamed al-Halbousi để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Iraq theo Hiệp ước chiến lược năm 2008 giữa hai nước.
Hãng Reuters cho biết, quân đội Mỹ ở Syria có nhiệm vụ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tạo thế đối trọng với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, vốn được Iran và Nga hậu thuẫn. Vì vậy, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút hết 2.000 binh sĩ làm dấy lên những quan ngại rằng, động thái này có thể khiến lực lượng người Kurd - đồng minh của Washington - đối mặt với sự trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép Iran củng cố ảnh hưởng ở Syria. Tuy nhiên, trước khi đến Iraq, tại Jordan, Ngoại trưởng Pompeo đã trấn an các đồng minh rằng, Mỹ không từ bỏ những nỗ lực chống Iran, đồng thời thúc giục các đồng minh tiếp tục đối phó với “các mối đe dọa đáng kể” từ Tehran và các chiến binh thánh chiến.
Trong khi đó, hãng ABC News cho rằng, mục đích chuyến công du của ông Pompeo là xoa dịu những lo lắng của các đồng minh khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã có những phát biểu mâu thuẫn với ý định của Tổng thống Donald Trump, làm phức tạp thêm chiến lược rút 2.000 binh sĩ khỏi Syria. Theo đó, nhiệm vụ của ông Pompeo lần này là tái khẳng định với các đối tác rằng, Mỹ vẫn hiện diện ở khu vực Trung Đông chứ không bỏ rơi đồng minh.
Tuần trước, Ngoại trưởng Pompeo đề cập 4 điều kiện rút quân: Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự chống IS; duy trì áp lực với Iran; bảo vệ lực lượng người Kurd và bảo đảm an toàn cho các nhóm tôn giáo thiểu số ở Syria. Sau đó, phát biểu với báo giới, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chưa xác định lịch trình rút quân, nhưng việc đưa các binh sĩ về nước sẽ được thực hiện phối hợp với các đồng minh và đối tác nhằm duy trì áp lực với IS, không tạo ra bất kỳ khoảng trống nào cho khủng bố.
Tuy nhiên, khi đến Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần qua, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton nhấn mạnh, Mỹ chỉ rút quân khỏi Syria khi người Kurd được bảo đảm an toàn. “Ankara cần đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump rằng các lực lượng đối lập Syria từng chiến đấu cùng với chúng tôi sẽ không bị đe dọa”, ông Bolton nói.
Song, Tổng thống Trump không xác nhận về những mâu thuẫn trong phát biểu của vị Cố vấn an ninh quốc gia so với ý định của ông. Trong những dòng tweet, người đứng đầu Nhà Trắng chỉ viết: “Chúng tôi sẽ rời đi vào thời điểm thích hợp trong lúc tiếp tục chống lại IS cũng như thực hiện tất cả những việc khác một cách thận trọng và cần thiết”. Vì vậy, nhiệm vụ của ông Pompeo trong chuyến công du Trung Đông lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng là xóa bỏ những quan ngại của các đối tác Mỹ trong các chặng dừng chân ở Jordan, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Saudi Arabia, Oman và Kuwait. Thông điệp mà ông Pompeo sẽ phải nhấn mạnh là: Mặc dù Mỹ rút quân khỏi Syria và cắt giảm chi phí cho công tác ổn định đất nước này, nhưng Washington không rút khỏi khu vực Trung Đông, như khẳng định của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, được hãng ABC News dẫn lời: “Mỹ không rời khỏi Trung Đông. Bộ trưởng của chúng tôi sẽ tái khẳng định cam kết này đối với khu vực và đối tác”.
Chuyến công cán của Cố vấn an ninh John Bolton đã không suôn sẻ bởi chẳng những không thể gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mà còn gây bức xúc cho Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí bác bỏ cam kết với Mỹ rằng, Ankara sẽ bảo vệ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Chưa rõ nhà ngoại giao Pompeo lần này có hoàn thành được sứ mệnh hay không, nhất là khi ông còn nhiệm vụ khác: hòa giải những bất đồng giữa những đối tác vùng Vịnh chung quanh khủng hoảng ngoại giao Qatar và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
PHÚC NGUYÊN