Phương Tây thu hẹp ảnh hưởng ở Trung Đông

.

Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay, Trung Đông luôn là mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Tuy nhiên, nội tại của Trung Đông có quá nhiều vấn đề phức tạp đan xen, trong đó nổi lên là mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh thổ… nên thường xuyên dẫn tới các cuộc chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang.

Để tranh giành ảnh hưởng, Mỹ và đồng minh đã đề ra nhiều chính sách cho các mục tiêu dài hạn cũng như đầu tư nguồn tài chính khổng lồ cho phát triển kinh tế, hoạt động quân sự… ở Trung Đông. Các đời tổng thống Mỹ đều đề ra chiến lược Trung Đông, trong đó nổi lên là ưu tiên giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel, hay vấn đề Iran, Iraq, vùng Vịnh, hoặc Syria hiện nay.

Thế nhưng đến nay, dường như các chiến lược, mục tiêu của Mỹ và các đồng minh đều đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, biến “chảo lửa” Trung Đông ngày càng trở nên phức tạp.

Bài viết của nhà báo Renaud Girard đăng trên nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra ngày 12-1 chỉ ra 3 sai lầm lớn của Mỹ và các đồng minh:

Một là do tư tưởng tân bảo thủ. Trào lưu này tin rằng người ta có thể áp đặt bằng vũ lực mô hình dân chủ cho người dân các nước khác. Không có tình trạng hỗn loạn khủng khiếp nào bằng cuộc chiến xâm lược Iraq vào năm 2003. Việc Mỹ rút quân sớm vào năm 2010 là sai lầm to lớn bởi Washington lẽ ra chỉ nên rút quân khi Iraq được bình ổn.

Hai là chính sách đối ngoại buộc phải tuân theo đòi hỏi của cử tri trong nước. Thế nhưng, ví dụ về Iraq minh chứng phương Tây rốt cuộc chẳng đoái hoài gì đến cuộc sống ấm no của người dân ở đây, nhất là khi các nước này can thiệp quân sự vào Trung Đông.

Ba là thái độ do dự của phương Tây. Đã bao lần phương Tây cho thấy họ không có khả năng ra các quyết định phù hợp. Tháng 2-2012, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitali Tchourkine đề nghị nhóm P3 (Mỹ, Pháp và Anh) có giải pháp tìm đường để Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra đi trong danh dự nhằm thiết lập một chính phủ chuyển tiếp. Nhưng Mỹ và các đồng minh từ chối, thậm chí tìm mọi cách lật đổ chính phủ Syria thông qua “cuộc cách mạng màu” đường phố như một trào lưu lúc bấy giờ, nhưng đã thất bại, dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài đến nay với sự thâm nhập của lực lượng khủng bố mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một điển hình.

Những sai lầm nói trên cùng hàng loạt vấn đề khác như sự “bảo kê” của Mỹ đối với Israel khi giải quyết cuộc xung đột với Palestine, hay mục tiêu chống khủng bố, vấn đề hạt nhân của Iran… đã làm vai trò và ảnh hưởng của Washington cùng các đồng minh “rơi rụng”.

Ví dụ, phương Tây hầu như không có gì để nói ở Syria. Mọi quyết định giờ đây nằm trong tay “câu lạc bộ Astana”, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga, bất chấp những khác biệt về lợi ích giữa 3 cường quốc này tại Syria.

Phương Tây cũng không thuyết phục được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong vấn đề người Kurd tại Syria. Không những phương Tây bất lực nhìn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công chiếm vùng Afrin - phía bắc Syria, từ tay người Kurd, mà uy tín của phương Tây cũng xói mòn theo quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hay ở Yemen, phương Tây không thể nào ngăn cản thảm họa nhân đạo xảy ra do các chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm chống lại quân nổi dậy người Huthi, được Iran yểm trợ và hiện kiểm soát thủ đô Sanaa.

Đặc biệt, tại vùng Vịnh, phương Tây dường như “chết đứng” với những sai lầm liên tiếp trong chính sách đối ngoại của Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman. Ông Mohammad được kỳ vọng là nhà cải cách, như ủng hộ phe nổi dậy thánh chiến cực đoan ở Syria, can dự nội chiến ở Yemen… Lần đầu tiên cơ quan lập pháp Mỹ sử dụng “quyền chiến tranh” yêu cầu chính phủ Tổng thống Donald Trump chấm dứt hỗ trợ chiến dịch quân sự của Saudi Arabia tại Yemen…

Nếu vai trò, tầm ảnh hưởng của phương Tây từng bước bị “xóa sổ” thì ngay lập tức sẽ được thay bằng Nga, cường quốc được xem là có trách nhiệm trên trường quốc tế hiện nay. Không những có 2 căn cứ quân sự tại Syria, Nga còn lần lượt cải thiện quan hệ với nhiều đồng minh của Mỹ và phương Tây, nâng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, thậm chí trở thành đối tác đáng tin cậy không thể thiếu đối với nhiều quốc gia khu vực này.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.